LTS: Nhân sự khu vực công xin thôi việc, chuyển việc sang khu vực khác nhiều chưa từng có. Nhân sự ngành y tế và TP.HCM là tiêu biểu cho hiện tượng này. Sự dịch chuyển là điều bình thường trong bất cứ ngành nghề, khu vực, lĩnh vực nào, nhưng mức độ ồ ạt như thời gian qua cũng như hiện nay lại là điều đáng quan tâm, suy nghĩ.
Tôi đã rời khu vực công sau 8 tháng công tác và chuyển sang làm việc tại một công ty tư nhân với mức lương khoảng trên dưới 15 triệu/tháng.
Câu chuyện của tôi mấy năm trước không phải là cá biệt và hiện nay gần như trở thành một làn sóng lớn chuyển dịch từ công sang tư sau đại dịch.
Hồi chuông đánh động
Minh chứng rõ nhất là con số hơn 6.000 công chức, viên chức ở TP.HCM nghỉ việc từ ngày 1/1/1020 – 30/06/2022, Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm nay có hơn 300 cán bộ nghỉ việc.
Trong nhiều nguyên nhân của tình trạng này là vì hiện nay mức lương ở khu vực công chênh lệch rất lớn so với khu vực tư.
Thời điểm vừa qua không ít cán bộ công chức, viên chức rời bỏ khu vực công liên quan đến nhiều vấn đề cùng lúc, có tính chất cộng dồn. Hiện tượng này diễn ra nhanh sau đại dịch Covid -19. Trong đó, ngành y là ngành có sự dịch chuyển lớn người lao động ra khỏi môi trường nhà nước.
Nhìn lại hai năm 2020-2021 để chiến thắng đại dịch Covid -19, chúng ta đã phải huy động một lực lượng lớn cán bộ công chức, viên chức như: đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, bộ đội, công an, sinh viên, tình nguyện viên…và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ trung ương tới cơ sở trong việc chống dịch.
Xét ngay ở trạng thái bình thường của cuộc sống, không ít cán bộ viên chức, công chức công tác trong lĩnh vực an sinh xã hội, dịch vụ chăm sóc sức khỏe: y tế, giáo dục cũng đã rất bộn bề và hạn chế về thu nhập.
Trải qua đại dịch vừa rồi, họ được tôi rèn ở những thời khắc nghiệt ngã và thực tế càng bộc lộ hơn nữa những thiệt thòi cũng như nhiều khó khăn của đối với lực lượng này. Sự khen thưởng, khuyến khích và động viên của các cấp chính quyền về cơ bản đã giải quyết tốt trên khía cạnh tinh thần.
Ngoài ra, gần đây vì vi phạm của một số tổ chức, cá nhân ít nhiều đã gây ra những tổn thương cho cán bộ của ngành, rồi áp lực công việc, lương bổng chưa xứng đáng. Trong khi đó, ở khu vực tư lai có những yếu tố về môi trường làm việc, lương thưởng hấp dẫn. Do vậy, tình trạng công chức, viên chức “dứt áo ra” vì sự thúc ép của cuộc sống là câu hỏi đáng phải suy ngẫm.
Khách quan có thể thấy sự dịch chuyển người lao động từ khu vực công sang khu vực tư là vấn đề có vẻ bình thường. Đây là hiện tượng tự nhiên của đời sống kinh tế - xã hội và thể hiện sự năng động, sức hút và sự hấp dẫn về nhiều mặt của khu vực ngoài nhà nước. Đồng thời, cũng có một dòng dịch chuyển ngược mà chúng ta ít chú ý. Đó là những lao động có trình độ, năng lực và uy tín quay lại khu vực công như một sự cống hiến, tham mưu và phản biện các chính sách cho nhà nước.Tuy nhiên, số lượng những cá nhân này hiện nay không đáng kể.
Một điều hiển nhiên rằng không chỉ ở Việt Nam mà bất kì các quốc gia nào trên thế giới thì khu vực công không bao giờ có thể so sánh về tiền lương, thưởng…đối với khu vực kinh tế tư nhân. Tuy vậy, hiện tượng người lao động trong ở khu vực công nghỉ việc hàng loạt, theo hiệu ứng thậm chí là phong trào như hiện nay là hồi chuông đánh động đến các nhà quản lý trong việc cần tính toán, cân đối và xem xét về chế độ tiền lương cho người lao động.
Đặc biệt là ở một số khu vực công có tính chất dịch vụ và an sinh xã hội: du lịch, giáo dục, y tế, bảo hiểm, cứu hộ…để cải thiện về mức sống tối thiểu với nhịp độ sống cần thiết hiện nay.
Để hạn chế dòng dịch chuyển bất tương xứng này, nhà nước cần đưa vấn đề về cải cách chế độ tiền lương vào chương trình nghị sự của Quốc hội trong kỳ họp gần đây nhất để nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, nút thắt của công tác này. Những văn bản dưới luật, các nghị định, thông tư, đề án hiện nay đang điều chỉnh phần ngọn của vấn đề.
Vì vậy, có hiện tượng tự chủ về mặt hình thức trên thực tế. Điều đó dẫn tới việc phải xây dựng luật ở cấp cao nhất, trao quyền quyết định cho các chủ thể đi kèm với trách nhiệm pháp lý. Chỉ có như thế mới giải quyết triệt để những cái “vướng, cái rồi” mà các cơ quan, đơn vị đang chịu sự quy định bởi hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật.
Nhà nước nên tiến hành rà soát lại các ngành nghề, lĩnh vực, các đơn vị sự nghiệp hành chính, doanh nghiệp công…có tính chất đặc thù để đưa ra cơ chế “mở” giúp các đơn vị này sáng tạo và có sức cạnh tranh trước bối cảnh mới. Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện thật tốt chương trình cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế để tập trung nguồn quỹ ngân sách cho việc tăng lương đối với bộ phận nhân sự còn lại của khu vực công.
Cải cách tiền lương không thể chậm trễ hơn nữa
Chúng ta vừa trải qua một giai đoạn chống dịch rất vất vả và gian nan, đất nước đang bắt đầu những chặng đường mới trong khi đó vẫn còn ẩn chứa những yếu tố bất định, dịch bệnh, thiên tai luôn trực chờ để quay trở lại. Các ngành, các cấp cần quãng thời gian sắp xếp, đánh giá và từng bước thay đổi theo yêu cầu mới. Trong đó việc bứt thiết là quan tâm, chăm lo và cải thiện chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của mình. Quan tâm và làm tốt công tác này có ý nghĩa về mặt tinh thần giúp ổn định tâm lý, tình cảm, khắc phục tình trạng ngó nghiêng, bất an của người lao động trong khu vực công.
Việt Nam đã có một khoảng thời gian tương đối cho việc tinh giảm biên chế, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta có nhiều kết quả và chuyển biến lớn. Những thành tựu đó cơ bản được giúp Đảng và Nhà nước “nhẹ gánh” để tạo tiền đề cho việc thực hiện chính sách về cải cách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức. Bởi những vấn đề này có tính logic, nằm trong lộ trình chính trị mà Đảng ta đang phấn đấu, trong đó các nhiệm vụ nêu trên giúp sửa đổi chính sách cải cải tiền lương thực hiện một cách thuận lợi.
Bởi khi bộ máy nhà nước gọn nhẹ, môi trường tham nhũng gần như bị triệt tiêu thì vấn đề tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức là một trong các trụ cột của việc xây dựng thể chế “không muốn và không cần” tham nhũng mà Đảng ta đã nêu.
Trước hiệu ứng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc hàng loạt công thêm một số nhiệm vụ chính trị cơ bản đã có độ chín (phòng chống tham nhũng, tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy) đã tạo tiền đề thực hiện cải cách chế độ tiền lương cho người lao động ở khu vực nhà nước là công việc không thể chậm trễ hơn được nữa.
Mỗi ngày TP.HCM có 8 cán bộ nghỉ việc
Hai năm qua, tính bình quân, mỗi ngày TP.HCM có trên 8 công chức, viên chức nghỉ việc. Đây là chuyện chưa từng có ở thành phố có nhiều cơ chế đặc thù cho công chức, viên chức này.
Giám đốc sở ký 5 đơn nghỉ việc mỗi ngày
Ngày nào Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng phải ký quyết định xin nghỉ việc của nhân viên. Riêng 6 tháng năm 2022, 891 người đã rời bỏ hệ thống y tế công lập của TP này. Bình quân mỗi ngày, Giám đốc Sở ký khoảng 5 đơn nghỉ việc.
Thực hư chuyện mỗi tháng 1.000 cán bộ ở TP.HCM nghỉ việc
Theo Sở Nội vụ TP.HCM, thông tin 6.177 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2022 là chưa chính xác. Thực tế, đây là con số thống kê từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon