Bốc thăm học mầm non: Hệ lụy từ chung cư mọc như nấm, đất xây trường bỏ hoang

Trao đổi với P.V VietNamNet, lãnh đạo phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, việc tổ chức bốc thăm giành suất học trường mẫu giáo Hoàng Liệt là sự việc cực chẳng đã và được dự báo trong mùa tuyển sinh.

Dân số gấp 4 phường

Phần lớn diện tích đất phường Hoàng Liệt trước đây là đồng ruộng, ao hồ. Đến năm 2012, phường này có khoảng 33.000 người. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, đến nay, dân số phường này đã tăng gấp 3 lần (gần 100.000 người). Dân số tăng nhanh chóng mặt kéo theo hàng loạt hệ lụy mà phường Hoàng Liệt gặp phải như ùn tắc nghiêm trọng tại các nút giao thông ra vào bán đảo Linh Đàm, thiếu trường lớp cho trẻ đến trường.

Nguyên nhân dẫn tới quá tải hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông ở phường Hoàng Liệt được chính quyền địa phương chia sẻ là do chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn có tới 85 tòa chung cư mọc lên. Các khu chung cư ở bán đảo Linh Đàm, khu đô thị Pháp Vân đón hàng vạn hộ gia đình trẻ, có con nhỏ về sinh sống. Điển hình như 12 tòa HH trong bán đảo Linh Đàm có tới 40.000 dân.

Ô đất xây dành để xây trường học ở Tây Nam Linh Đàm nhưng bị bỏ hoang nhiều năm nay (Ảnh: Tuấn Anh).

“Dân số 12 tòa HH trong bán đảo Linh Đàm gần bằng 2 phường bình thường của TP Hà Nội, trong khi hạ tầng không thay đổi dẫn đến mọi thứ đều quá tải”, đại diện UBND phường Hoàng Liệt nói và cho biết, những năm qua, quận và TP Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cầu đường, trường lớp trên địa bàn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của một phường gần 100.000 dân.

“Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm giờ đây khác xa so với ngày chúng tôi mới đến. Hàng chục tòa chung cư cao tầng mọc lên giữa bán đảo và phía Tây Nam Linh Đàm, nhưng hạ tầng về giao thông không được đầu tư đúng mức nên đường sá lúc nào cũng ùn tắc, ô tô không có chỗ đỗ, còn trường lớp cũng không đáp ứng được nhu cầu”, bà Phạm Thu Thủy nhà ở VP6, bán đảo Linh Đàm chia sẻ.

Để tìm lối thoát cho người dân trong bán đảo Linh Đàm và khu vực, TP Hà Nội phải chi hàng trăm tỷ đồng xây dựng cầu vượt bắc qua hồ Linh Đàm và cầu vượt qua sông Tô Lịch. Từ khi hai cây cầu này được khánh thành, tình trạng ùn tắc ở khu vực này cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên, do các tầng hầm chung cư không đáp ứng đủ nhu cầu nên người dân vẫn để ô tô, xe máy lộn xộn hai bên các tuyến đường quanh bán đảo dẫn đến ùn tắc cục bộ và mất mỹ quan đô thị.

Đất xây trường lớp bị bỏ hoang, bốc thăm giành suất đến trường

Chia sẻ với P.V VietNamNet, lãnh đạo phường Hoàng Liệt cho biết, với 85 tòa chung cư, gần 100.000 người, mỗi năm trên địa bàn có khoảng 2.000 trẻ vào mầm non, nên sức ép về trường lớp trên địa bàn rất lớn. “Nghịch lý nằm ở chỗ, chủ đầu tư chỉ tập trung xây nhà để bán kiếm tiền. Còn 12 ô đất quy hoạch trường học thì bị quây tôn gần 20 năm qua, để cỏ dại mọc hoặc tận dụng làm bãi xe”, đại diện UBND phường Hoàng Liệt chia sẻ.

Nằm ngay cạnh khu chung cư HH, là một khu đất rộng hàng nghìn mét vuông được quây tôn, tận dụng làm bãi đỗ xe ô tô. Theo lãnh đạo phường Hoàng Liệt, theo quy hoạch, ô đất này để làm trường học. Còn nằm giữa khu Tây Nam Linh Đàm cũng là một khu đất rộng được quy hoạch làm trường học nhưng để cỏ dại mọc ngập đầu.

“Chung cư đã được xây kín các ô đất theo quy hoạch, nhưng hơn chục năm nay, các chủ đầu tư không đoái hoài đến việc xây dựng trường lớp cho con em cư dân”, đại diện phường Hoàng Liệt nói.

Phường Hoàng Liệt có tới 85 tòa chung cư, dẫn tới thiếu nhiều trường lớp (Ảnh: Tuấn Anh).

Để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ mầm non của người dân, quận Hoàng Mai đã đầu tư xây dựng mới 2 cơ sở cho Trường Mầm non Hoàng Liệt tại các khu dân cư Tứ Kỳ, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi học của các gia đình đang sinh sống trên địa bàn.

Theo thống kê của phường Hoàng Liệt, hiện trên địa bàn phường có 8.155 trẻ em trong độ tuổi mầm non, trong đó có 6.611 trẻ 2-5 tuổi. Đặc biệt, Trường Mầm non Hoàng Liệt là trường công lập duy nhất trên địa bàn phường, có 4 cơ sở trường với tổng diện tích trên 5.200m2 (cơ sở Tứ Kỳ, cơ sở Pháp Vân, cơ sở Bằng A và cơ sở Linh Đàm).

Để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, vừa qua quận Hoàng Mai đã có kiến nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội về việc thu hồi 12 lô đất do chủ đầu tư chậm triển khai ở phường Hoàng Liệt để xây trường mần non và trường tiểu học và trung học. Trong đó, quận Hoàng Mai đề nghị Tổng công ty HUD bàn giao 7 lô đất để quận tự đầu tư trường công lập.

“Dân số tăng nhanh, trong khi trường lớp không được chủ đầu tư quan tâm mới dẫn đến việc bốc thăm cho các cháu vào mẫu giáo. Nếu không xây thêm trường, thì chỉ vài năm nữa, lại tới lượt phụ huynh bốc thăm giành suất cho con vào cấp một, rồi cả cấp hai”, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt lo ngại.

Tính đến tháng 5/2022, quận Hoàng Mai có 90 trường học, tăng 39 trường so với năm 2003, trong đó 58 trường công lập, 32 trường ngoài công lập. Số học sinh toàn quận là gần 96.800 học sinh. Chỉ tính riêng trong năm học 2021-2022, ngành giáo dục tiếp tục được xây mới, đầu tư, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 18 trường (10 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường THCS) với tổng mức đầu tư trên 900 tỷ đồng.

Ngày 27 và 28/8, hàng trăm phụ huynh đã tham dự buổi bốc thăm để giành suất vào Trường Mầm non Hoàng Liệt. Năm học 2022-2023, Trường Mầm non Hoàng Liệt nhận được 226 hồ sơ của trẻ 5 tuổi, tăng 100 hồ sơ so với dự kiến. Nhà trường dự kiến sẽ tuyển hết số học sinh này để đảm bảo 100% trẻ mầm non 5 tuổi được đi học.

Còn đối với trẻ 3-4 tuổi, nhà trường chỉ có thể tuyển thêm 333 trẻ/713 hồ sơ đăng ký. Như vậy, có gần 400 hồ sơ vượt chỉ tiêu. Do vậy, Trường Mầm non Hoàng Liệt phải tổ chức bốc thăm chọn các cháu may mắn được vào trường.

Theo ông Trần Quý Thái - Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàng Mai, đây là tình huống bắt buộc phải làm và không còn cách nào khác. "Chúng tôi đã xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên và cuối cùng cũng chỉ còn phương án bốc thăm bởi địa bàn phường chỉ có một trường mầm non công lập”, ông Thái chia sẻ.

Adblock test (Why?)

Previous
Next Post »
Thanks for your comment