Xe dù khiến bến xe giảm 2/3 lượng khách, giảm tuyến
Ông Nguyễn Hoàng Huy - Tổng Giám đốc bến xe miền Đông cho biết, hiện nay bến xe miền Đông có hơn 2.000 đầu xe đăng ký cho 165 tuyến cố định hoạt động. So với năm 2019, sản lượng hành khách tại bến giảm khoảng 2/3, số lượng tuyến cũng bị mất hơn 50 tuyến (năm 2019 có hơn 220 tuyến).
“Nhiều tuyến Quảng Nam mất hẳn, tuyến Đồng Nai cũng còn trên đầu ngón tay. Việc số lượng chuyến cùng sản lượng hành khách giảm có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có việc hình thành của loại hình ‘xe dù bến cóc’, nhiều doanh nghiệp bỏ bến ra ngoài hoạt động hoặc đăng ký chuyển từ tuyến cố định qua hình thức chạy hợp đồng", ông Huy thông tin.
Theo ông Huy, muốn giảm tai nạn giao thông, chống ùn tắc, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân TP, việc hạn chế xe khách vào TP cần phải làm sớm.
“Quy hoạch các bến xe của TP đã được thiết lập ở vùng ven nên việc vận chuyển khách vào TP hãy để nội đô lo. Tôi ví dụ khách khi xuống bến sẽ có xe buýt trung chuyển, metro, BRT. Chúng ta cũng nên có quy hoạch, tổ chức phân luồng lại để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trường hợp xe khách theo lộ trình hướng cao tốc, quốc lộ 1 vào TP ở phía Đông, vào bến xe miền Đông mới, hướng Tây Nguyên xuống thì vào bến xe Ngã Tư Ga, hướng miền Tây lên thì vào bến xe miền Tây, hướng Tây Ninh theo quốc lộ 22 xuống vào bến xe An Sương…", ông Huy đề xuất.
Mặc khác, ông cũng cho biết, tại khu nội đô, TP cũng đang triển khai hàng loạt các giải pháp để tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng như việc lên phương án cấm xe máy, thu phí ô tô vào nội đô...
“Tôi nghĩ việc cấm xe khách vào nội đô nên làm sớm. Đối với xe du lịch vào trung tâm TP là chuyện bình thường, vì phương tiện này đúng bản chất xe phục vụ cho du lịch. Riêng xe hợp đồng thì nên cân nhắc vì hiện nay loại hình này chạy như tuyến cố định.
Song song đó, Nhà nước cũng nên có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các tuyến cố định về giá thuê bến đậu đỗ, vốn đầu tư, phương tiện, đầu tư khoa học công nghệ. Trong khi xe hợp đồng chạy ngoài muốn chạy sao thì chạy, muốn chạy giờ nào cũng được, giá nào cũng đi so với xe tuyến cố định phải tuân thủ các quy định giờ giấc, lệnh xuất bến, trả thuế giá trị gia tăng, niêm yết giá vé … gây mất bình đẳng trong cạnh tranh kinh doanh”- ông Huy nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc bến xe miền Đông cho biết, sắp tới TP sẽ di dời hoạt động vận tải ra bến xe miền Đông mới. Để đảm bảo hoạt động vận tải hành khách hiệu quả, phía Bến xe miền Đông đã kiến nghị TP mở các tuyến xe buýt để bù lại lộ trình bị mất đi như lộ trình Bến xe miền Đông hiện hữu đi quốc lộ 1 đến Bến xe miền Đông mới; lộ trình Bến xe miền Đông ra xa lộ Hà Nội đi Bến xe miền Đông mới. Đồng thời, kiến nghị xe buýt phải đảm bảo chở được hành lý mang tính chất cồng kềnh của hành khách và không thu phí.
Song song đó, kiến nghị cho Bến xe miền Đông chủ động hoặc phối hợp với các doanh nghiệp khác được triển khai phương án trung chuyển đảm bảo, khuyến khích nhu cầu đi lại của người dân. Hiện nay một số doanh nghiêp cũng thực hiện trung chuyển như Phương Trang, Miền Đông, Đông Bắc nhưng việc trung chuyển mang tính chất phục vụ thương hiệu doanh nghiệp với số lượng phương tiện không lớn.
Thượng tôn pháp luật mới dẹp được nạn 'xe dù bến cóc'
Ông Đào Viết Ánh - Tổng giám đốc Công ty CP xe khách Phương Trang cho rằng, tình trạng xe dù bến cóc hoạt động ‘bát nháo’ tại TP.HCM gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh vận tải.
Nghị định 10 đã quy định rất rõ đối với xe kinh doanh vận tải tuyến cố định là tuyến được cơ quan có thẩm quyền công bố, được xác định bởi hành trình, lịch trình, bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải đăng ký tuyến cố định, vào hoạt động tại bến.
"Chúng tôi tuân thủ chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định, niêm yết giá vé, đóng thuế phí xuất lệnh ra/vào bến. Trong khi nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng nhưng thực chất lại chẳng khác nào tuyến cố định.
Họ tìm cách lách luật, trốn thuế phí lệnh bến, VAT gây thất thu cho nhà nước, thách thức pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong kinh doanh vận tải, gây xáo trộn hệ thống giao thông TP" - ông Ánh nêu.
Vẫn theo vị Tổng giám đốc, vào giờ cao điểm có thể nhận thấy rõ tình trạng này khi lòng đường nhiều tuyến phố khu vực quận 5, quận 10 bị chiếm dụng để đậu xe đón bắt khách gây hệ lụy tăng tình trạng kẹt xe, hỗn loạn giao thông. Rõ ràng các doanh nghiệp này đang núp bóng hợp đồng xe dù, hợp đồng xe du lịch để đón bắt khách của tuyến cố định.
Theo ông Ánh, mỗi doanh nghiệp cần phải thực hiện phương án kinh doanh giúp hành khách dễ dàng tiếp cận dịch vụ, không nhất thiết phải đi vào trung tâm TP mới đón được khách, khách mới chọn đi. Hiện Phương Trang và một số doanh nghiệp đã thực hiện trung chuyển khách từ nội đô hay từ nhà đến bến xe hoặc đến các điểm đón xe của tuyến cố định được ngành chức năng cho phép.
Về chủ trương mới của TP, ông Ánh cho rằng, việc hạn chế xe khách vào nội đô là cách TP sắp xếp lại để không gây xáo trộn hệ thống giao thông, đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp.
"Muốn làm điều này, chính quyền TP cần phải quyết liệt, không làm một ba ngày theo kiểu 'đánh trống bỏ dùi' rồi thôi. Nên mạnh tay xử lý bến cóc xe dù, phạt nặng, tước hay thu phù hiệu, thu giấy phép kinh doanh thì doanh nghiệp họ tự khắc sẽ phải vào bến hoạt động ngay. Khi vào bến, các doanh nghiệp sẽ lập tức cạnh tranh lành mạnh, thượng tôn pháp luật và nhà nước không bị thất thu thuế"- ông Ánh khẳng định.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon