Tháng 8/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa – Thông tin. Lịch sử ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam bước sang một trang mới.
Việc thành lập Bộ Thông Tin và Truyền Thông thể hiện tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ giữa công nghiệp nội dung và hạ tầng truyền thông của đất nước và thế giới.
Các lĩnh vực bưu chính, viễn thông – Internet, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản đã tạo động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Hoạt động báo chí, xuất bản và phát hành đã có bước chuyển mới theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước.
Nguyên Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng có hơn 17 năm gắn bó với công tác quản lý báo chí, ông cũng nắm giữ chức vụ ở đúng thời kỳ chuyển giao mảng báo chí-xuất bản từ Bộ Bưu chính, Viễn thông sang Bộ Thông tin và Truyền thông.
Chia sẻ về những ngày tháng đầu mới sáp nhập và thành lập, ông Lượng cho biết, đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới của ngành Thông tin và Truyền thông, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thế giới. Dù ban đầu có một số ý kiến còn “băn khoăn, bỡ ngỡ” nhưng “đến bây giờ mọi người đã thấy việc sáp nhập và thành lập bộ mới – Bộ Thông tin và Truyền thông là cần thiết và hợp lý”, ông khẳng định.
Khi Cục Báo chí được chuyển sang “nhà mới”, với tổ chức mới, cùng với sự phát triển phong phú, đa dạng của báo chí thì một cục không thể làm hết được công việc như thời điểm trước, ông Lượng nhớ lại thời điểm đó Cục chỉ có 29 người với trang thiết bị còn thô sơ, quản lý tất cả loạt hình báo chí nhưng đã phải làm rất nhiều việc. Từ những ngày đầu trụ sở ở số 53-54 Ngô Quyền đến phố Hàng Chuối, phố Thi Sách, phố Lý Thường Kiệt và cho đến ngày nay ở số 7 phố Yết Kiêu, Cục Báo chí đã trải qua nhiều thăng trầm cùng báo chí nước nhà.
Năm 2007, khi mới sáp nhập, với yêu cầu thực tiễn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định từ Cục Báo chí đang quản lý 4 loại hình (Báo in, Báo điện tử, Báo nói, Báo hình) tách ra thêm một cục mới là Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử.
Tiếp tục một thời gian do nhu cầu phát triển từ nhiệm vụ, từ một phòng Thông tin cơ sở thuộc Cục Báo chí trước đây được tách ra thêm thành Cục Thông tin cơ sở.
Trong thời đại đất nước mở cửa và hội nhập quốc tế, mảng thông tin đối ngoại chiếm một vị trí quan trọng, trước yêu cầu nhiệm vụ “đưa thông tin của ta ra với bạn bè quốc tế và đưa thông tin thế giới về Việt Nam đặc biệt khi đó Việt Nam mới gia nhập WTO (11/2007), từ Cục Báo chí tách ra thêm Cục Thông tin đối ngoại. Việc tách thành cục mới còn giúp xây dựng và đối thoại thông tin với nhiều nước trong khối ASEAN khi đó đang cùng cam kết là truyền hình số mặt đất, liên quan đến phát vệ tinh, đường truyền Internet…
“Như vậy, từ năm 2007 khi về Bộ Thông tin và Truyền thông từ Cục Báo chí ban đầu đã hình thành lên 4 Cục giúp ‘san sẻ’ và chuyên sâu công việc, phù hợp với tình hình phát triển của thông tin như hiện nay”, ông Lượng khẳng định.
Từ năm 2007 đến nay là một bước tiến dài giữa Cục Báo chí và Bộ Thông tin và Truyền thông, “khi nội dung và công nghệ đi liền với nhau”.
Quản lý báo chí phải có phương tiện, kỹ thuật
Về việc quản lý báo chí ở thời điểm những năm giữa thập niên 2000 cũng khác rất nhiều so với bây giờ nguyên Cục trưởng Báo chí cho biết, khởi đầu của báo điện tử chỉ là những trang thông tin điện tử thuộc các tờ báo in, dần dần hình thành những cơ quan báo điện tử độc lập, hoàn toàn không làm báo giấy như VietNamNet, VnExpress…và hàng loạt tờ báo điện tử ra đời sau đó.
Ông khẳng định, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta “thông tin rất cởi mở”, hiện nay hiếm ở nước nào mà thông tin đến được với người dân cởi mở như thế.
“Trước đây chủ trương của ta là ‘quản lý đến đâu thì cho mở đến đó’, từ việc cho nối mạng Internet quốc tế, cấp phép trang tin đến cấp phép cho những tờ báo điện tử độc lập thời điểm đó còn nhiều ý kiến khác nhau. Vấn đề thông tin được tạo điều kiện phát triển, Nhà nước yêu cầu một cách quản lý mới đó là ‘phát triển đến đâu thì quản lý đến đó’”, ông Lượng nói về quản lý báo chí khi hàng loạt các tờ báo điện từ ra đời.
Chủ trương quản phải theo kịp sự phát triển đã tạo điều kiện giúp cơ quan quản lý “cởi mở” về mặt thông tin, phục vụ tốt cho nhu cầu người dân và phát triển kinh tế đất nước.
Ông dẫn chứng thêm: “Hay như truyền hình, trước đây chỉ có truyền hình trong nước đến sau này ta cho rất nhiều kênh truyền hình nước ngoài phát tại Việt Nam, với hàng trăm kênh từ thời sự chính trị đến văn hóa, giải trí…Khi đó cũng mới chỉ có truyền hình analog, người dân muốn xem tivi cũng rất vất vả phải điều chỉnh cột thu sóng nhưng đến nay thì truyền hình số mặt đất, truyền hình Internet, truyền hình qua vệ tinh… đã thay đổi rất nhiều”.
Trong lĩnh vực thông tin điện tử, trước đây chỉ có trang tin của các báo rồi đến báo điện tử độc lập thì bây giờ có rất nhiều trang tin của các tổ chức, cá nhân họ cũng làm tin tức hàng ngày.
“Như vậy không chỉ các cơ quan, tổ chức làm thông tin điện tử nữa mà toàn dân đã tham gia ta hay gọi là báo chí công dân, cho nên theo nguyên Cục trưởng Cục Báo chí “quản lý thế nào, nâng cao trình độ dân trí thế nào để người dân có thể lựa chọn thông tin tốt nhất, hữu ích nhất là trách nhiệm của Bộ Thông tin và truyền thông”.
Từ những thực tiễn và phân tích, ông Lượng cho rằng đã đến lúc phải nghĩ đến một bộ luật về Thông tin, trong đó Báo chí chỉ là một phần.
Nếu như trước kia thông tin được hiểu như là báo chí (lực lượng chủ yếu đưa tin tức đến với người dân) nhưng ngày nay không chỉ báo chí mà cả mạng xã hội, các kênh tin tức khác.
Quản lý báo chí thời điểm nào cũng có “cái khó và cái dễ”, so với ngày nay, trước đây số lượng cơ quan báo chí ít hơn, chủ yếu chủ quản thuộc khối cơ quan Đảng, Nhà nước. Ngày nay vẫn hệ thống báo chí đó làm nòng cốt nhưng bên cạnh đó còn có các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức nghề nghiệp đề có báo, tạp chí.
Chính vì sự phát triển nhanh của mạng xã hội và các kênh thông tin nên hiện nay đã xuất hiện nhiều loại thông tin giống báo chí nhưng không phải báo chí. Ông Lượng phân tích, cả nước có hơn 20.000 nhà báo nhưng với smartphone thì toàn dân có thể tham gia vào hoạt động thông tin giống như báo chí. “Họ không phải cơ quan báo chí, họ đưa tin với tư cách cá nhân nên độ chính xác không cao. Đây như một kênh gợi ý cho báo chí để xác minh, chứng thực. Vì thế báo chí vẫn có vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin trong xã hội”, ông đánh giá.
Với kinh nghiêm của người từng có 17 năm trong quản lý báo chí, nguyên Cục trưởng cho rằng, với các cơ quan báo chí và những người làm báo phải tuyệt đối tuân theo tôn chỉ, mục đích thì mới thành “tờ báo chuyên sâu” có ích cho người dân, xã hội. Thứ hai báo chí cần phản ánh đời sống xã hội khách quan, hiện nay có thể do “chạy theo mạng xã hội, chạy theo view” một số cơ quan báo chí đã quá sa đà vào những vụ việc tiêu cực dẫn đến việc người dân chỉ thấy cuộc sống toàn “những điều bi quan”, nhưng thực tế không phải như vậy.
“Cho nên phải cân bằng, báo chí tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch, phản ánh, tìm ra những khó khăn, vướng mắc, giải pháp cho những vấn đề thực tiễn. Phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực" để nhân dân có niềm tin vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”, ông bày tỏ.
Còn đối với các cơ quan quản lý báo chí, nguyên Cục trưởng nhấn mạnh đã “quá vất vả” trong quản lý thông tin báo chí. “Tôi cho rằng phải làm rành mạch từng đơn vị phụ trách, quản lý, thực hiện nhiệm vụ gì. Rõ ràng quản lý không phải chỉ cần con người mà còn phải có phương tiện, kỹ thuật. Nếu không có phương tiện, công cụ chuyên nghiệp thì không quản lý, khó khăn hơn nhiều, nhất là trong thời đại 4.0”, ông Lượng nhấn mạnh.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon