LTS: Đất nước muốn hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc thì phải có giấc mơ lớn. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nói đến giấc mơ đó. Là khát vọng phát triển đất nước sánh vai cường quốc năm châu. Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm.
Việt Nam muốn sánh vai cường quốc năm châu, muốn hùng cường để không kẻ thù nào dám đến xâm lược, để hoà bình mãi mãi trên mảnh đất này thì chúng ta phải khai phóng được nguồn tài nguyên vô hạn của đất nước này, đó là năng lượng, là trí tuệ trong não mỗi người Việt Nam.
Chỉ có báo chí mới làm được, đó là tạo nên niềm tin và khát vọng dân tộc. Sứ mạng vĩ đại ấy đặt lên vai những người làm báo. Cũng chỉ hơn 20.000 người thôi, nhưng chúng ta có thể thay đổi Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), báo VietNamNet tổ chức bàn tròn “Sứ mệnh của báo chí cách mạng với khát vọng hùng cường thịnh vượng”.
Khách mời của chương trình đặc biệt này là nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Chương trình được đăng tải theo 2 phần. Mời quý vị theo dõi phần 1 tại video sau:
Nội dung chi tiết phần 1:
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Thưa nhà báo Lê Quốc Minh, báo chí cách mạng Việt Nam đã có truyền thống hào hùng trong việc thổi bùng khát vọng độc lập dân độc trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Báo chí đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi có thể nói là không tưởng để giành độc lập dân tộc.
Nếu phải nói một cách ngắn gọn nhất về nền tảng quý báu này của báo chí cách mạng Việt Nam, ông sẽ nói gì?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Có lẽ, tôi sẽ dùng từ “nhà báo chiến sĩ”. Trên thế giới, có rất nhiều nhà báo chiến trường. Mỗi cuộc xung đột xảy ra, vai trò của các nhà báo chiến trường rất quan trọng.
Ở đất nước chúng ta, mỗi nhà báo lúc này như một người chiến sĩ. Họ gánh trên vai một sứ mệnh hết sức cao cả: đưa những thông tin từ tiền tuyến, từ hậu phương và mô tả không chỉ diễn biến của cuộc chiến mà còn khơi dậy tinh thần quyết tâm hành động để mang lại độc lập tự do cho mỗi người dân Việt Nam.
Khi cần thiết, mỗi nhà báo cũng cầm súng, đóng góp vào nỗ lực tiêu diệt kẻ xâm lược.
Khi tôi còn làm ở Thông Tấn xã Việt Nam, số lượng những nhà báo chiến sĩ ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh là vô cùng lớn, chiếm đến ¾ những nhà báo chiến sĩ.
Tại báo Nhân dân, nơi tôi đang công tác hiện nay, cũng có những nhà báo chiến sĩ đã ngã xuống. Chúng tôi luôn tri ân họ vào những dịp kỷ niệm quan trọng.
Sự đóng góp của các nhà báo trong thời chiến không chỉ mang lại cho chúng ta những thông tin kịp thời về tiền tuyến, về diễn biến chiến đấu của quân đội chúng ta, mà còn truyền đi tinh thần hào hùng, kích thích mọi người đi lên để giành độc lập dân tộc.
Quan trọng hơn nữa, họ đích thân cũng cầm súng tham gia trận chiến của cả dân tộc và rất nhiều người đã chịu tổn thất, đã hi sinh trong cuộc chiến tranh giành lại độc lập vĩ đại của dân tộc.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Đúng vậy, thế hệ cha ông chúng ta, những người ông, người cha đã từng là những nhà báo chiến sĩ và những nhà báo bây giờ vẫn còn nguyên những dòng máu đó trong huyết quản của mình.
Nhà báo Lê Quốc Minh: Tôi nhớ những hình ảnh được xem khi tôi còn nhỏ, trong dòng người chiến thắng của ngày Giải phóng miền Nam năm 1975 được phát trên truyền hình, bỗng dưng mình phát hiện ra những người anh và cha mình đang trong dòng người như vậy.
Sau này, khi nhìn lại những bức hình của những bác, những chú nhà báo tham gia các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, thực sự rất cảm động.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Cha anh chúng ta đã trải qua những cuộc kháng chiến, dùng ngòi bút báo chí, dùng công cụ của mình để góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Tiếp đó, báo chí cách mạng cũng là ngọn cờ đầu trong việc thúc đẩy công cuộc Đổi mới, đưa đất nước từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, bị bao vây cấm vận trở thành nước có thu nhập trung bình, là thành viên tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Cá nhân ông nhìn nhận những đóng góp nổi bật của báo chí cách mạng Việt Nam sau 36 năm Đổi mới là gì?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Tôi nhớ lại thập niên 80, khi báo chí Việt Nam bắt đầu đổi mới. Nhiều tờ báo ra đời và bên cạnh chức năng tuyên truyền, đã tham gia mạnh mẽ trong việc định hướng về mặt thông tin, phát hiện những sự việc gây chấn động. Báo chí đổi mới, phản ánh một bức tranh xã hội mà trước đây chúng ta chưa nhìn thấy.
Trước đây, chúng ta mới chỉ quen với các thông tin mang tính chất tuyên truyền. Nhưng giai đoạn này, báo chí đã bắt đầu có những nội dung mang tính phản biện rất cao, mang đến những thông tin tri thức từ khắp nơi trên thế giới, ở nhiều lĩnh vực mà trước đây, chúng ta ở Việt Nam chưa biết đến.
Tôi vẫn nhớ một thời làm báo khá đơn giản nhưng lại đầy say mê và thực sự là truyền cảm hứng cho những người trẻ chúng tôi, khi đó mới chập chững ở lứa tuổi cấp 3 hay mới bắt đầu bước vào giảng đường đại học.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời trong cách mạng và đã giúp cho đất nước giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong công cuộc Đổi mới cũng vậy, nhà báo thời Đổi mới đã đổi mới như thế nào, thưa ông?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Chúng tôi bắt đầu làm báo vào đầu những năm 90. Suy nghĩ của chúng tôi khá là đơn giản. Mặc dù được làm trong những cơ quan báo chí lớn nhất cả nước lúc bấy giờ, nhưng những công cụ, thiết bị tác nghiệp báo chí không có gì hiện đại. Vẫn là cây bút, vẫn là cuốn sổ, vẫn là những máy chữ gõ bằng tay.
Mãi đến năm 1994, chúng tôi mới bắt đầu biết đến máy tính. Trong những bước đi đầu tiên, chúng tôi trải qua thời làm báo còn rất thô sơ. Các bài báo được viết tay rồi đem đi in… nhưng chúng tôi cảm thấy bầu nhiệt huyết vô cùng lớn.
Khi có sự kiện lớn của thế giới xảy ra như Chiến tranh vùng Vịnh, chúng tôi làm báo rất say mê, thông tin được cập nhật liên tục và có thể thay đổi đến phút chót. Bài đã lên khuôn nhưng sẵn sàng gỡ ra để viết một bài mới cập nhật.
Các nhà báo của chúng tôi xuất thân từ nhiều lĩnh vực như văn học, thậm chí là từ chuyên ngành toán, lý, hoá, ngoại ngữ… nhưng khi đến với nghề báo, mọi người đều đã làm báo với tinh thần đam mê với nghề, trách nhiệm xã hội và tự học hỏi là chính.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Rõ ràng, thời điểm đó, công cụ làm báo rất thô sơ. Tuy nhiên, có một điều kiện, báo chí chiếm hết mặt trận thông tin trong nước. Khi đó, chưa có các nền tảng internet xuyên biên giới, chưa có báo chí nước ngoài nhiều. Giờ, điều kiện đã khác. Chúng ta mở cửa trên không gian mạng, phải cạnh tranh, phải đổi mới mình. Tinh thần cách mạng vẫn còn nguyên trong người làm báo.
Theo ông, điều kiện như bây giờ buộc người làm báo chúng ta phải thích ứng như thế nào?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Những năm đầu 2000, việc làm báo tương đối dễ dàng. Khi đó, chưa có nhiều cơ quan báo chí hay nhiều trang thông tin trên thế giới. Một website tiếng Việt ra đời dễ dàng đạt vị thế đứng 3.000- 4.000 trên thế giới. Vì trên thế giới, không có nhiều cơ quan báo chí đưa thông tin lên mạng và các trang tiếng Việt càng ít hơn nữa.
Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rõ, sự biến chuyển của báo chí đã diễn ra rất nhanh, đặt biệt là từ những năm 2010 trở lại đây. Khi các website cung cấp thông tin mọc lên như nấm sau mưa, với tốc độ lớn mạnh khủng khiếp.
Chúng ta không tính bằng chục nghìn, hàng trăm nghìn nữa mà phải tính bằng hàng tỷ trang thông tin.
Những trang thông tin như vậy đang gây áp lực cho các trang của các cơ quan báo chí chính thống. Người dùng mạng- hay độc giả bị chi phối bởi quá nhiều các kênh thông tin như vậy, những thông tin mang tính giải trí, thể thao, mang tính cá nhân nhưng lại được sản xuất rất thu hút. Chưa nói đến câu chuyện bổ ích hay không nhưng thực sự hiện nay, có nhiều kênh thông tin được làm rất thu hút và khiến người dùng bị xao nhãng các thông tin từ các cơ quan báo chí chính thống.
Những website của các cơ quan báo chí chính thống cũng trở nên rất khó khăn. Và những hình thức truyền thống như báo in, phát thanh truyền hình còn khó khăn hơn nữa.
Khi xã hội ngày càng phát triển, trình độ công nghệ càng phát triển, các thiết bị càng hiện đại và người dùng dễ dàng tiếp cận hơn thì mỗi cá nhân đều có thể là một chủ bút, một trạm phát thanh, một kênh truyền hình.
Thậm chí sau này, khả năng cho phép nội dung live được phổ biến trên tất cả các nền tảng thì sức mạnh của công nghệ càng lớn mạnh hơn nữa.
Báo chí hiện nay vấp phải rất nhiều thách thức. Ngày xưa, người ta nói rằng, báo nói là đúng, đài nói là đúng. Nhưng bây giờ, càng ngày tỷ lệ người sử dụng các kênh khác báo chí để tiếp cận thông tin càng ngày càng cao.
Theo các nghiên cứu của các nhà làm truyền thông trên thế giới, những năm vừa qua, tỷ lệ người truy cập trực tiếp vào website của các cơ quan báo chí càng ngày càng thấp đi.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters đưa ra cách đây vài hôm, tỷ lệ người truy cập vào cơ quan báo chí để lấy tin chỉ có 23%, tỷ lệ sử dụng mạng xã hội để lấy tin lên tới 28%. Đánh đổi lại, khi lệ thuộc vào quá nhiều vào mạng xã hội, người dùng có nhiều khả năng bị vướng vào thông tin thật, giả lẫn lộn, thậm chí là đọc phải tin giả, fake news.
Hành vi người dùng thay đổi rất nhiều. Họ cũng tìm đến các kênh khác nữa chứ không phải là báo chí.
Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta sản xuất nội dung nhưng người khác lại được hưởng lợi. Việc người dùng nhớ đến báo chí thấp đi rất nhiều.
Có một thực tế là, ngày xưa, người dùng đọc một thông tin, họ truy cập trực tiếp vào trang của báo Nhân dân hay VietNamNet. Họ sẽ nhớ ngay, tin này đọc của Nhân dân, tin kia đọc của VietNamNet.
Nhưng bây giờ, người dùng đọc một tin nào đó, họ không thể nhớ được họ đã đọc từ nguồn nào, là đọc từ báo hay từ mạng xã hội, đọc bằng tiếng Việt hay tiếng Anh hay bằng ngôn ngữ khác.
Cho nên, yếu tố lưu giữ tên thương hiệu báo chí hiện nay bị mất đi rất nhiều.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Vậy, hệ thống báo chí cách mạng nằm ở đâu trong mặt bằng thông tin truyền thông mới?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Có thể nói, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức to lớn. Sứ mệnh của báo chí cách mạng là phải tuyên truyền đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đến được với người dân. Bên cạnh những đường lối, chính sách như vậy từ Trung ương đến địa phương, báo chí có trách nhiệm cung cấp những kiến thức hữu ích cho người dùng.
Tuy nhiên, bây giờ người dùng vấp phải những thông tin trên mạng xã hội, từ những thông tin thất thiệt, những nội dung bị bóp méo, bị thiên lệch. Đó có thể là những vấn đề rất thông thường như cách chữa bệnh Covid-19, đến các câu chuyện xã hội, mang tính showbiz, từ những chuyện không đúng về giới kinh doanh đến những câu chuyện bóp méo về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ví dụ trong dịch Covid-19 vừa qua, ta chứng kiến sự tràn lan của tin giả. Không còn là câu chuyện y tế, là sự bóp méo những nỗ lực của ngành y tế, quân đội, công an, của cả thanh niên tình nguyện…
Báo chí chúng ta nếu không tìm cách dung hoà, pha loãng những thông tin này ra thì chúng ta sẽ mất dần vị thế của mình.
Nói một cách công bằng, trong thời kỳ Covid-19 vừa qua, vai trò của báo chí là vô cùng to lớn.
Không dễ để pha loãng các thông tin giả, tin thất thiệt trên mạng xã hội, vì nó quá lớn. Nhưng sự đóng góp của báo chí ngay từ thời kỳ đầu tiên, đã góp phần giúp cho người cả Việt Nam và nước ngoài có cái nhìn thay đổi về cách thức phòng chống dịch ở Việt Nam và sau đó là cách thức chúng ta phục hồi nền kinh tế, thực hiện mục tiêu kép.
Thế giới và người dân trong nước đã chứng kiến chúng ta xoay chuyển linh hoạt kế hoạch, từ cách thức chống dịch này sang cách thức chống dịch khác phù hợp hơn, những nỗ lực ngoại giao vắc xin và các nỗ lực khác đã giúp chúng ta kiềm chế dịch rất hiệu quả.
Quan trọng hơn nữa, đồng thời, chúng ta đã nỗ lực phát triển kinh tế và đạt được những kết quả phục hồi sau một thời gian ngắn.
Chúng tôi nghĩ rằng, đây chính là lúc báo chí cách mạng Việt Nam với một mong muốn định hướng thông tin tốt đẹp xã hội, dưới sự chỉ đạo dẫn dắt của Đảng và Nhà nước, chúng ta đang làm rất tốt sứ mệnh của mình.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Đúng là trong những năm đại dịch, Việt Nam đã kiến cường, làm rất nhiều giải pháp thiết thực trong phòng chống dịch hiệu quả, trong đó có hoạt động của cơ quan báo chí. Trong lúc khó khăn, báo chí đã đầu tư nhiều hơn, bỏ công sức nhiều hơn, mang lại kết quả nhiều hơn. Thực tế, Đảng và Nhà nước cũng đã đánh giá cao các cơ quan báo chí.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra, sứ mệnh của báo chí trong lịch sử đã giúp đất nước giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến và trong công cuộc Đổi mới.
Bây giờ, sứ mệnh của báo chí là gì?
Đảng đã đặt ra mục tiêu, Việt Nam là đất nước phát triển vào năm 2045. Sứ mệnh của báo chí của chúng ta là thúc đẩy khát vọng đó thành hiện thực. Vậy ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của báo chí hiện nay trong việc thúc đẩy khát vọng này?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Nhiều người khi nói về báo chí nói chung, họ nhấn mạnh yếu tố giám sát, phản biện của báo chí. Thực sự mà nói, báo chí ra đời là nhằm giám sát, phản biện. Nhưng trong khi thực hiện nhiệm vụ đó, chúng ta cũng thấy rằng, báo chí thế giới nói chung và một bộ phận báo chí Việt Nam đi theo hướng chỉ trích quá đà.
Chúng ta chỉ nhìn thấy những mặt tối, những câu chuyện bất cập, những vấn đề khó khăn, tất nhiên có nhiều câu chuyện đáng phải bóc trần. Nhưng điểm khác của báo chí cách mạng Việt Nam so với các nơi là, báo chí không chỉ đánh vào sự tò mò, không chỉ nhấn vào sự chỉ trích, không quá lạm dụng vai trò giám sát, phản biện một cách quá đà như vậy.
Chúng tôi cho rằng, nhiệm vụ của báo chí là phản ánh trung thực xã hội chúng ta. Ví dụ, nếu chúng ta mở một tờ báo, chỉ toàn thấy các câu chuyện tiêu cực, thì có đúng là xã hội chúng ta hay không?
Nếu xã hội có rất nhiều tiêu cực như vậy thì làm sao xã hội chúng ta tiến lên như hiện nay được?
Trong xã hội, 7 phần tốt, 3 phần xấu hay 8 tốt, 2 xấu thì báo chí phải phản ánh tương đồng như vậy. Chứ không thể là ngược lại là 3 tốt- 7 xấu được.
Báo chí cách mạng phải hướng tới phản ánh trung thực đời sống của xã hội, như vậy mới đúng.
Quan niệm của chúng tôi về sứ mệnh, vai trò của báo chí cách mạng là hãy phản ánh đúng những gì xảy ra trong xã hội là đang thực hiện đúng với trách nhiệm xã hội của mình. Đừng sa vào chuyện tô hồng, cũng đừng cố bôi đen để thu hút sự quan tâm của người đọc, bằng các câu chuyện gây sốc, những câu chuyện chỉ thể hiện một mặt của xã hội.
Tất nhiên, chúng ta cần nêu những mặt xấu, những câu chuyện cần khắc phục, sửa chữa, nhưng cuộc sống cần được mang đến những tiếng cười, niềm vui ở các câu chuyện tích cực nữa.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn: Tôi rất đồng cảm với ông. Nhưng đó là chuyện chúng ta đang phải làm. Báo chí còn một việc quan trọng nữa là tạo dựng niềm tin. Muốn có niềm tin thì phải có lý tưởng, lý tưởng tức là tương lai. Theo ông, lý tưởng của báo chí cách mạng là gì? Làm thế nào để nuôi dưỡng lý tưởng đó?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Lý tưởng nhiều khi là những thứ rất hiện thực, gần gũi, nhưng nếu không thận trọng, lại trở thành viển vông.
Ở đây, chúng tôi muốn nhấn đến, lý tưởng phải gắn liền với mục tiêu thực tế mong muốn cần đạt được.
Khi chúng ta khơi dậy đam mê trong mỗi phóng viên, thì phải chỉ ra cái đích đến, có thể là cái đích xa, đích gần nhưng là thứ hữu hình, có thể đạt được hơn là những thứ quá xa vời. Nếu cái đích là những thứ xa vời, khi không đạt được, mọi người bỗng dưng bị vỡ mộng và cảm thấy không còn tin vào những điều mà mình đã hướng tới.
Chúng tôi nghĩ đơn giản thôi, ngày xưa các thế hệ cha ông chúng ta lên đường, ra chiến trường viết báo. Lý tưởng của họ là dùng ngòi bút của mình, dùng thước phim, thước hình của mình để góp phần làm sao cho cuộc chiến tranh sớm chấm dứt, hoà bình sớm đến với người dân hơn, làm sao đưa các thông tin, hình ảnh về trận chiến công chúng thế giới để thế giới thấy được sự phi nghĩa của cuộc chiến tranh này.
Trong thời kỳ Đổi mới, các nhà báo đều mong muốn làm sao, bài viết của mình góp phần thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, để họ thấy, Việt Nam không phải là thương đau, là chiến tranh mà Việt Nam là đất nước mà mọi người nên đến để du lịch, đến đầu tư.
Đó là những mục tiêu rất cụ thể, rất hữu hình. Các nhà báo bằng tri thức và bằng kỹ năng báo chí của mình để đạt mục tiêu đó. Đôi khi, sự đam mê của mình cũng phải đến từ điều đó.
Nghề báo là nghề không thể giàu được. Nhưng bằng năng lực tài chính cá nhân, của toà soạn rất hạn chế, chúng ta vẫn kiên quyết bám giữ được lý tưởng của mình, đưa ra những nội dung mang tính chân thực, cân bằng.
Báo chí không phải đi theo xu thế chỉ trích tiêu cực mà là đi theo hướng báo chí xây dựng. Dù khen ngợi hay phê phán điều gì đó thì báo chí đều phải xuất phát từ mong muốn một xã hội tốt đẹp hơn.
(Mời bạn đọc đón xem Phần 2: Báo chí phải định hướng chứ không chỉ chạy theo thông tin)
VietNamNet
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon