Diễn biến bất ngờ, Donald Trump bớt gánh áp lực

Giá dầu thế giới bất ngờ tăng vọt trở lại sau những phiên rơi tự do chưa từng có trong lịch sử. Ông Donald Trump bớt áp lực về một nền công nghiệp vốn được xem là niềm tự hào của nước Mỹ.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 24/4 trên thị trường châu Á, giá dầu WTI giao tháng 6 tiếp tục tăng thêm hơn 5% lên 17,36 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng ở mức gần tương tự lên 21,33 USD/thùng.

Trong phiên đêm qua (giờ Việt Nam) trên sàn Nymex (Mỹ), giá dầu WTI giao tháng 6 tháng đã tăng thêm gần 20%.

Như vậy, dầu đang hướng tới phiên tăng thứ 3 liên tiếp và tạo ra tâm lý ổn định hơn cho giới đầu tư trên thị trường sau một chuỗi ngày lao dốc chưa từng có, với đỉnh điểm là giá dầu WTI giao tháng 5 xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng trong 2 phiên liên tiếp.

Trong phiên 20/4, giá dầu thậm chí xuống gần ngưỡng âm 40 USD/thùng, tức người bán phải trả thêm cho người mua và mang dầu đi thêm 40 USD mỗi thùng dầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến sức cầu trên thị trường tụt giảm khoảng 30 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 4, trong khi cung vẫn lớn và thế giới rơi vào tình trạng không còn không gian để trích trữ dầu. Giới đầu tư lướt sóng dầu không thể nhận dầu vật chất khi hợp đồng giao tháng 5 đáo hạn (hôm 21/4) trong khi các nhà sản xuất dầu phải đối mặt với chi phí lớn nếu dừng khai thác.

Bước nhảy vọt không ngờ, Donald Trump nhẹ gánh áp lực
Giá dầu WTI hồi phục phiên thứ 3 liên tiếp sau khi xuống -37 USD/thùng.

Dầu tăng trở lại trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran tăng lên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/04 tweet cho biết ông đã “chỉ thị Hải quân Mỹ bắn hạ và tiêu diệt bất kỳ và tất cả pháo hạm Iran” nếu họ công kích tàu của Mỹ trên biển.

Sự căng thẳng gia tăng tại Trung Đông khiến một số nhà đầu tư bắt đáy, đánh cược vào khả năng nguôn cung dầu ra thế giới từ khu vực này sẽ bị hạn chế phần nào.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát thị trường không chắc chắn về đà tăng của dầu sẽ kéo dài bao lâu nếu các nước xuất khẩu dầu lớn trên thế giới không có một giải pháp lâu dài hơn cho vấn đề dư cung và dự trữ hàng hóa.

Trước đó, ông Donald Trump đã tính tới giải pháp chọn thời điểm giá dầu thấp như hiện nay để tăng dự trữ thêm khoảng 75 triệu thùng. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng vướng mắc ở ngân quỹ để thực hiện kế hoạch này. Hơn nữa, 75 triệu thùng dầu cũng chỉ chưa bằng lượng dầu thế giới cung ra trong một ngày ở vào thời điểm hiện tại, và thấp hơn so với mức trung bình 100 triệu thùng dầu/ngày như trong 2019.

Hôm 22/4, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ vọt 15 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 17/4 lên 518,6 triệu thùng. Đây là tuần thứ 13 liên tiếp dự trữ dầu của Mỹ tăng.

Bước nhảy vọt không ngờ, Donald Trump nhẹ gánh áp lực
Nỗ lực của ông Donald Trump và Putin chưa giúp nhiều cho thị trường dầu mỏ thế giới.

Cũng theo EIA, dự trữ dầu tại Cushing, Oklahoma, -trung tâm phân phối của các hợp đồng dầu tương lai trên sàn Nymex - đã tăng lên 59,7 triệu thùng trong tuần trước từ mức 55 triệu thùng trong tuần trước đó.

Ông Donald Trump đang đối mặt với tình trạng khó khăn hơn bao giờ hết khi mà ngành dầu mỏ vốn chỉ vài tháng trước đây được xem đang “ở kỷ nguyên vàng thống trị thế giới” thì giờ đứng trước nguy cơ sụp đổ. Các doanh nghiệp dầu khí Mỹ có thể phá sản hàng loạt trong thời gian tới do vay nợ lớn.

Theo Công ty Rystad Energy, nếu giá dầu ở mức 20 USD/thùng, thì tính đến cuối năm 2021, sẽ có 533 công ty sản xuất và khai thác dầu mỏ của Mỹ sẽ phải đệ đơn xin phá sản. Còn nếu dầu ở mức 10 USD/thùng, thì hơn 1.100 công ty sẽ phải phá sản.

Gần đây, nhiều công ty năng lượng đã thông báo cắt giảm sản lượng, trong đó có các ông lớn như Continental Resources và Parsley Energy. Các giàn khoan dầu ngoài khơi đã bắt đầu ngừng hoạt động ở khu vực Vịnh Mexico.

Theo Baker Hughes, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 66 giàn xuống 438 giàn trong tuần kết thúc ngày 17/4/2020.

M. Hà

Previous
Next Post »
Thanks for your comment