Hơn 3 tháng kể từ lúc chính thức ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên, các trung tâm nghiên cứu cùng các công ty dược phẩm trên toàn thế giới vẫn đang cố gắng tìm ra vaccine đặc trị.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ghi nhận các chính sách nhằm quản lý và cung cấp các biện pháp phòng ngừa và chữa trị hiện tại vẫn là những ưu tiên quan trọng nhằm giảm bớt áp lực lên hệ thống cơ sở y tế. Dưới đây là 4 mục tiêu lớn mà các hệ thống y tế đưa ra để đối phó với đại dịch.
Đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ y tế
Đứng trước đại dịch, nhiệm vụ then chốt là đảm bảo chẩn đoán, xét nghiệm và chăm sóc sức khỏe trong một môi trường an toàn với giá cả hợp lý. Mỗi chính phủ phải ưu tiên điều trị những bộ phận người dân dễ bị tổn thương nhất. Ngay cả khi chế độ bảo hiểm y tế chưa được cung cấp tới toàn bộ 100% người dân, các nước trên thế giới phải đảm bảo rằng sẽ không có rào cản tài chính lớn đối với công dân của họ, đặc biệt với những người có triệu chứng rõ ràng, trong việc tiếp cận các xét nghiệm cũng như chi trả các điều trị.
Tại Pháp, các xét nghiệm virus có giá 54Euro, trong đó 60% do bảo hiểm xã hội chi trả, phần còn lại do các công ty dịch vụ bảo hiểm chi trả. Trường hợp nhập viện do Covid-19 sẽ được miễn phí điều trị. Tại Hàn Quốc, xét nghiệm và điều trị Covid-19 được miễn phí. Một khoản trợ cấp cũng được gửi tới các cá nhân bị cách ly (tại gia đình hoặc bệnh viện) để hỗ trợ sinh hoạt phí. Ai từ chối xét nghiệm chẩn đoán, điều trị hoặc cách ly sẽ chịu phạt.
Nhân viên tập đoàn LVMH cùng sản phẩm nước rửa tay khử trùng. Ảnh : Parfums Givenchy |
Tối ưu năng lực hệ thống cơ sở y tế
Khả năng lây lan nhanh chóng, thời gian ủ bệnh lâu, ít các dấu hiệu nhận biết của virus corona cùng đặc thù nhân khẩu học tại địa phương, đã làm gia tăng một cách đột biến nhu cầu chẩn đoán và điều trị. Trong bối cảnh số lượng bệnh nhân nguy kịch tăng mạnh do thiếu hụt nguồn cung vật tư y tế cùng sự quá tải hệ thông cơ sở y tế, ba ưu tiên chính trong chính sách của các hệ thống y tế trên thế giới là nhân lực, trang thiết bị và không gian.
Thứ nhất là nhân lực. Do áp lực vế số lượng các y bác sĩ, đặc biệt ở tuyến đầu, đòi hỏi huy động đội ngũ chuyên gia y tế trên mọi lĩnh vực. Các đơn vị quân y cũng tham gia chống dịch, hỗ trợ công tác điều trị, công tác hậu cần di dời và cách ly các đối tượng nghi nhiễm. Nhiều nước còn huy động sinh viên năm cuối trong các trường y, trường điều dưỡng tham gia chăm sóc bệnh nhân và hỗ trợ trả lời đường dây nóng. Đội ngũ chuyên gia y tế không hoạt động hoặc đã nghỉ hưu cũng được huy động khi cần thiết.
Thứ hai là trang thiết bị. Xét nghiệm virus đang là một nút thắt tại nhiều quốc gia. Các xét nghiệm dựa trên nguyên tắc Phản ứng tổng hợp chuỗi Polymerase thời gian thực (rRT-PCR), theo dõi sự khuếch đại của phân tử DNA thời gian thực. Việc tiến hành xét nghiệm đòi hỏi các nhân viên y tế phải được đào tạo, cùng sự sẵn có của các bộ kit xét nghiệm và trang thiết bị xử lý mẫu.
Khẩu trang, tấm chắn che mặt, đồ bảo hộ, nước rửa tay và thuốc chữa trị cũng là những hàng hóa cấp thiết. Các chính phủ và tổ chức quốc tế đã ra những chính sách nhằm ngăn chặn việc buôn lậu, đầu cơ nâng giá và tâm lý tích trữ do hoảng loạn nhằm đảm bảo lượng dự trữ đủ cho các y bác sĩ. Để cân bằng giữa các quốc gia, những chính sách hợp tác quốc tế trong việc mua vật tư y tế đã được thực hiện.
Những bộ dụng cụ thử nghiệm mới đang được cải tiến cho phép giảm thời gian xử lý, tăng lưu lượng hoạt động của các phòng thí nghiệm. Các chính sách cung cấp vật tư cũng cần đảm bảo các phương pháp thử nghiệm và trang thiết bị phải đạt đủ tiêu chuẩn chất lượng để gia tăng quy mô sử dụng. Nhiều quốc gia lựa chọn giải pháp tích trữ, hạn chế xuất khẩu vật tư y tế để tránh khỏi việc phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, đi kèm cùng các rủi ro địa chính trị.
Các tập đoàn, công ty nội địa cũng tận dụng dây chuyền công nghiệp của mình để sản xuất các mặt hàng vật tư y tế trong những nỗ lực hợp tác với chính phủ. Nước Anh đề nghị các nhà sản xuất ô tô Ford & Honda cùng công ty Roll Royce giúp đỡ sản xuất máy thở y tế. Tại Pháp, tập đoàn LVMH đã tận dụng các dây chuyền sản xuất nước hoa của các nhãn hàng Christian Dior và Givenchy để sản xuất nước rửa tay, phân phối miễn phí tới cộng đồng. Tại Nhật, công ty điện tử Sharp cũng sử dụng một số dây chuyền của mình để sản xuất khẩu trang.
Tỉ lệ giường bệnh đặc biệt trên 1.000 người tại các quốc gia OECD |
Thứ ba là không gian. Việc mở rộng không gian là cần thiết để cách ly các trường hợp nghi nhiễm, chẩn đoán các ca bệnh và tiến hành chữa trị một cách an toàn. Những kinh nghiệm dựa trên tình hình tại Trung Quốc, Italia và Tây Ban Nha đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quy mô cơ sở y tế, trong bối cảnh nhu cầu giường bệnh tăng cao, nhất là các giường chăm sóc đặc biệt dành cho các bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.
Số lượng giường chăm sóc đặc biệt là một đơn vị để đo lường khả năng hoạt động của cơ sở y tế trong khủng hoảng dich tễ. Một số giường bệnh cấp tính của các chuyên khoa khác như phẫu thuật, phụ sản có thể được trưng dụng linh hoạt, nhưng bắt buộc phải được trang bị thiết bị hô hấp.
Nhiều quốc gia đã sử dụng các biện pháp gia tăng số lượng giường bệnh theo nhiều hình thức : xây dựng bệnh viện dã chiến, tái sử dụng các không gian công cộng, tái thiết các dự án bỏ hoang cũng như hợp tác với các đơn vị kinh doanh khách sạn và khu nghỉ dưỡng, đi kèm theo hỗ trợ từ chính phủ…
Quản lý dữ liệu kỹ thuật số
Khai thác và phân tích Dữ liệu lớn (Big Data) được sử dụng để giám sát các trường hợp nghi nhiễm, cảnh báo khoanh vùng các ổ dịch và chuẩn đoán tình trạng sức khỏe bệnh nhân.
Ngoài việc nhận thông báo và gửi thông tin xét nghiệm từ các phòng thí nghiệm, các quốc gia có Hồ sơ sức khỏe điện tử tiêu chuẩn (EHRs) có thể trích xuất dữ liệu và tích hợp trong các hệ thống giám sát thời gian thực. Hiện 8 quốc gia OECD (Phần Lan, Estonia, Israel, Đan Mạch, Áo, Canada, Slovakia, Vương quốc Anh) và Singapore mới đủ khả năng kỹ thuật để vận hành và xây dựng thông tin từ EHRs, dựa trên 10 nguyên tắc Bảo vệ thông tin cá nhân của OECD và 9 chỉ số kỹ thuật EHRs.
Nhiều quốc gia sử dụng sự kết hợp giữa cơ sở dữ liệu thẻ Bảo hiểm y tế và thông tin Hải quan xuất nhập cảnh để đưa ra các cảnh báo dựa trên lịch sử du lịch và các triệu chứng lâm sàng.
Tại Mỹ, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đang tìm cách liên kết các dữ liệu y tế truyền thống vào các máy học (ML- Machine Learning, đi kèm với việc kết hợp công cụ tìm kiếm Google và hoạt động trên Twitter để dự đoán số lượng lây nhiễm thời gian thực. Hàn Quốc và Israel dùng dữ liệu smartphone để giám sát vị trí di chuyển của các bệnh nhân dương tính với virus, và xác định những người đã tiếp xúc trực tiếp. Thông tin chi tiết về lịch sử di chuyển của bệnh nhân sẽ được gửi bằng tin nhắn tới dân cư sống trong khu vực đó.
Ứng dụng corona 100m của Hàn Quốc cảnh báo người dùng khi họ bước vào vùng có lịch sử người dương tính với virus corona đi qua |
Các công nghệ kỹ thuật số cũng rất cần thiết trong công tác tư vấn từ xa; giúp hạn chế di chuyển và các tiếp xúc vật lý tới các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc những người đang cách ly tại gia đình. Ít nhất 14 quốc gia OECD cùng Hàn Quốc, Israel, Trung Quốc đang sử dụng các thiết bị đeo tay với công nghệ truyền thông để theo dõi các bệnh nhân mắc Covid-19 từ xa, dựa trên những tín hiệu sức khỏe (nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể). Tại một số bệnh viện của Mỹ và Trung Quốc, các robot giao đồ ăn cũng được sử dụng để hạn chế các tiếp xúc vật lý.
Việc quản lý và sử dụng các dữ liệu kỹ thuật số mang lại cho các quốc gia những cách thức mới để phát triển, ngăn chặn, cảnh báo và phản ứng tốt hơn. Tuy nhiên, các quốc gia cũng cần quan lý các rủi ro tới từ quyền truy cập và sử dụng dữ liệu cá nhân. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về vi phạm quyền riêng tư, quyền tự do cá nhân, cả trong và sau đại dịch. Khung quản trị dữ liệu y tế cũng cần thiết để bảo vệ quyền riêng tư, bao gồm có các hệ thống trao đổi dữ liệu an toàn, trích xuất dữ liệu tự động từ hồ sơ lâm sàng và cơ chế truy cập dữ liệu an toàn cho nghiên cứu.
Tối ưu khả năng điều trị và tìm kiếm vaccine
Trình tự bộ gen của virus corona lần đầu được các nhà khoa học Trung Quốc chia sẻ vào tháng 1 năm 2020. So với virus gây ra đại dịch SARS năm 2003, virus SARS-CoV-2 giống tới 80%.
Hơn 15 năm kể từ đại dịch SARS năm 2003, chưa có một loại vaccine hoặc một loại thuốc đặc trị nào ra đời. Các nhà nghiên cứu cùng các công ty y tế và công nghệ dược phẩm vẫn đang nỗ lực phát triển vaccine cùng các phương pháp chữa trị, chủ yếu là sự sử dụng kết hợp các loại thuốc chữa trị bệnh truyền nhiễm. Tính đến giữa tháng 3, 361 thử nghiệm lâm sàng trên virus corona đã được đăng ký, so với 14 thử nghiệm từ năm 2007 đến 2019. Dựa vào các thử nghiệm giai đoạn đầu đã được tiến hành trước đây để kiểm tra liều lượng an toàn, các nhà khoa học có thể tập trung hơn vào các thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả.
Các phương pháp điều trị trong thử nghiệm lâm sàng đã được đăng ký tại Nền tảng đăng ký thử nghiệm lâm sàng của WHO (ICTRP), bao gồm: Arbidol - một loại thuốc kháng virus cúm, Lopinavir và Ritonavir - một sự kết hợp liều cố định trong điều trị & phòng ngừa HIV / AIDS và Tocilizumab - một loại thuốc ức chế miễn dịch, hiện chủ yếu được sử dụng để điều trị các dạng viêm khớp ở trẻ em. Bên cạnh đó, 7 thử nghiệm vaccine đã được đăng ký trong ICTRP.
Thông thường, theo ước tính xác suất phê duyệt vaccine tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I dao động từ 12 đến 33%, sau khoảng 7-9 năm thử nghiệm. Một sản phẩm thuốc thành công điển hình cho bệnh truyền nhiễm sẽ trải qua 7 năm thử nghiệm, trong đó 2-3 năm cho các thử nghiệm hiệu quả giai đoạn 3, và chỉ 1 trong 4 ứng viên lọt vào giai đoạn I được phê duyệt. Những ước tính này không bao gồm thời gian cần thiết cho nghiên cứu và phát triển tiền lâm sàng. Không kể các chi phí cơ hội, cần khoảng 700 triệu USD để phát triển một loại thuốc mới, hoặc vaccine có cùng công dụng.
Tài trợ cho các hoạt động R&D đã tăng mạnh kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Theo thông báo ngày 13/3, nhiều nước OECD và các tổ chức phi chính phủ đã tài trợ ít nhất 830 triệu USD trong nghiên cứu điều trị và tìm kiếm vaccine, chưa kể các khoản đầu tư của ngành công nghiệp và cam kết hỗ trợ của các nước ngoài OECD. Các thông báo gần đây của ngành Y tế tuyên bố, một cách lạc quan, sẽ mất ít nhất 12-18 tháng để thử nghiệm một loại vaccine mới.
OECD và những chính sách hỗ trợ Y tế chống lại Covid-19 |
Bên cạnh các nỗ lực nghiên cứu, những phương pháp tiếp cận mới, thông qua Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang được áp dụng để tăng tốc và cải thiện hiệu quả của các nỗ lực nghiên cứu. Tại London, một mô hình ML đã phát hiện ra một loại thuốc điều trị viêm khớp có hiệu quả chống lại virus. Một công ty có trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc) báo cáo rằng AI của họ đã thiết kế 6 phân tử mới ngăn chặn virus.
Tại Mỹ, Phòng nghiên cứu Quốc gia Oak Ridge đã công bố 77 loại thuốc tiềm năng, với sự giúp đỡ của siêu máy tính Summit. Bắt đầu với hơn 8.000 hợp chất, Summit chỉ cần khoảng 2 ngày để cung cấp các thông tin quý giá cho các nghiên cứu cùng danh sách các hợp chất tiềm năng, so với vài tháng trên các máy tính thông thường.
Mặc dù vaccine và các loại thuốc mới điều trị bệnh chưa sẵn có để có thể đáp ứng được cho việc chữa trị đại dịch vào thời điểm hiện tại, kết quả từ nỗ lực nghiên cứu phát triển sẽ giúp ngăn chặn sự bùng phát trong tương lai. Hơn nữa nếu tận dụng tốt các kinh nghiệm quốc tế về điều chế vaccine và thuốc, việc phát triển sản phẩm mới sẽ nhanh chóng hơn rất nhiều.
Khánh Cường
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon