Bài luận “độc” giúp nữ sinh giành 258.000 USD từ ĐH Ivy League

 - Những câu chuyện thời chiến và một góc nhìn thay đổi về chiến tranh, khi đi vào bài luận đã giúp Minh Hà giành được học bổng 258.000 USD (tương đương 6 tỷ đồng) từ ĐH Dartmouth.

Đây là ngôi trường thuộc khối Ivy League, xếp thứ 15 trong số các trường “khó vào nhất” theo đánh giá của The Princeton Review và nằm trong top 12 những trường xuất sắc nhất nước Mỹ do US News & World Report bình chọn.

Chính điều này đã khiến Nguyễn Minh Hà (2001, học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) cảm thấy bất ngờ khi nhận được thư báo đỗ từ trường, bởi tỉ lệ hồ sơ được trường chấp nhận hàng năm chỉ rơi vào khoảng 13%. Theo Hà, đó đều phải là những sinh viên cực kỳ xuất sắc.

“Khi tìm hiểu và lựa chọn ngôi trường này, em đã vô cùng đắn đo. Em không phải là người có thành tích học tập xuất sắc hay đầy ắp những giải thưởng, huy chương. Điểm số của em khá khiêm tốn và hồ sơ cũng không phải mạnh. Vì thế, ĐH Dartmouth với em như một sự mạo hiểm”, Hà nói.

Tuy nhiên Hà vẫn quyết định tham gia vào đợt nộp đơn sớm (Early decision) của trường. Khi tham gia vào đợt nộp đơn này, ứng viên chỉ được gửi hồ sơ đến một trường đại học duy nhất.

Tin vui và cũng là sự bất ngờ với Hà khi không lâu sau đó, em nhận được thư đồng ý với mức hỗ trợ tài chính lên tới 258.000 USD.

“Sau khi biết tin mình đỗ ĐH Dartmouth, em cũng không nộp đơn vào bất kỳ trường nào khác nữa”, Hà chia sẻ.

Bài luận “độc” giúp nữ sinh giành 258.000 USD từ ĐH Ivy League

Nguyễn Minh Hà (2001, học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) 

Là một người có đam mê và sở trường về tranh biện, Hà từng tham gia “chinh chiến” ở hầu hết các giải thưởng lớn nhỏ trong lĩnh vực này. 

Cô gái 18 tuổi cho rằng, chính những hoạt động ấy đã giúp em có một góc nhìn rộng mở hơn về các mặt của cuộc sống.

Sự tự tin, điềm tĩnh và khả năng phân tích sâu sắc đã giúp Minh Hà giành được nhiều giải thưởng cao ở các cuộc thi tranh biện toàn quốc và thành phố. Hà từng là Á quân giải Vô địch Tranh biện Việt Nam, Quán quân giải Tranh biện Hà Nội.

Trả lời câu hỏi “Tại sao lại chọn trường?” để gửi đến ĐH Dartmouth, nữ sinh trường Ams giải thích, chương trình tranh biện ở bên đó khác với những gì em đang được học. Em sẽ hoàn thiện những kĩ năng của mình hơn nếu kết hợp cả 2 chương trình với nhau.

Mặt khác, theo cô gái này, điều khiến em được chấp nhận là nhờ vào bộ hồ sơ thể hiện rõ hình ảnh và định hướng của bản thân. 

Thay vì đưa ra những điểm số đẹp mĩ mãn, ứng viên cần phải để ban tuyển sinh hiểu rõ ràng rằng mình là người thế nào, có hợp với văn hoá của trường hay không?

Bài luận “độc” giúp nữ sinh giành 258.000 USD từ ĐH Ivy League

Là một người có đam mê và sở trường về tranh biện, Hà từng tham gia “chinh chiến” ở hầu hết các giải thưởng lớn nhỏ trong lĩnh vực này. 

Yêu thích Lịch sử, vì vậy trong bài luận nộp vào Dartmouth, cô gái Việt đã viết về chủ đề chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam.

“Ông ngoại em từng là bộ đội nên mỗi lần về quê, ông thường kể lại cho em nghe những câu chuyện thời chiến. Ông kể rất nhiều thứ về quá trình chiến đấu của ông và đồng đội. Qua con mắt non nớt của một đứa trẻ, những hình ảnh ấy vô cùng oai hùng. 

Kể cả khi ông kể lại rằng, tiểu đội của ông nã súng vào pháo đài giặc, những điều em tưởng tượng ra không phải là máu và nước mắt mà đó là cảnh huy hoàng của sự chiến thắng.

Nhưng khi lớn lên, em mới thấu hiểu những mất mát của chính ông em và những người con đất Việt khác trong cuộc chiến này.

Cho đến bây giờ, trên người ông vẫn còn những vết tích của cuộc chiến tranh. Đó là vết đạn sâu hoắm ở ống đồng hay vết chém trên vai trong những lần đánh giáp lá cà với quân địch. Mảnh đạn giờ vẫn còn nằm trong cơ thể ông là minh chứng rõ ràng nhất về dấu vết cuộc chiến.

Lúc ấy, em mới thực sự hiểu ra rằng, đó không phải là chiến thắng tuyệt đối, mà để hòa bình như hôm nay, chúng ta cũng đã phải chịu không ít nỗi đau. Đó là những cựu chiến binh, liệt sĩ và cả những người còn ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam - một di chứng của cuộc chiến mà sau hàng nửa thế kỷ chúng ta vẫn phải gánh chịu.

Suy nghĩ của em về chiến tranh đã thay đổi. Không có gì là chiến thắng hoàn toàn, bởi sau đó vẫn là những mất mát, đau thương. Và câu chuyện ấy cũng đã để lại cho em bài học, mọi thứ đều có hai mặt. Vì vậy, bản thân cần phải suy xét nó trên nhiều khía cạnh để có cái nhìn đúng đắn và đa chiều hơn”, Hà kể lại.

Em cũng cho rằng, bài luận này có thể chưa tốt nhất, nhưng đó là cảm xúc thật, câu chuyện thật. Hà cũng không mất nhiều thời gian trong việc lựa chọn chủ đề cho bài luận.

“Từng biến chuyển của cảm xúc đều được em thể hiện chân thực trong bài luận của mình. Em nghĩ điều đó đã thuyết phục được hội đồng tuyển sinh nhận mình vào trường”.

Bài luận “độc” giúp nữ sinh giành 258.000 USD từ ĐH Ivy League

Minh Hà dự định tới đây sẽ theo đuổi ngành Quan hệ quốc tế ở ĐH Dartmouth

Một điểm cộng khác, theo Hà, điều làm bộ hồ sơ của em trở nên khác biệt là sự tâm huyết dành cho những hoạt động, dự án mà mình tham gia.

“Hub Bright Organization” là hoạt động hướng đến những người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam ở Việt Nam do Minh Hà sáng lập.

Hà đã quay trở lại những vùng trước đây là tâm điểm của cuộc chiến như thị xã Hòa Bình. Em đã đi đến đây để mở một hội chợ miễn phí, quyên góp ủng hộ và làm một “Thư viện chiến tranh” nhằm chia sẻ những câu chuyện có thực về thời chiến thông qua lời kể của các cựu chiến binh em từng tiếp xúc.

“Em thấy hầu hết trên TV, sách báo đều tập trung vào các vị tướng hay những người có vai trò quan trọng trong sự chiến thắng của dân tộc. Em muốn tập trung vào câu chuyện cuộc sống của những anh hùng vô danh trong cuộc chiến ấy.

Có nhiều khía cạnh mới của cuộc chiến mà trước đây em chưa từng được nghe tới. Nhờ vậy, em đã có cái nhìn sâu, mới mẻ và hoàn thiện hơn về cuộc chiến đấu của dân tộc”.

Với bất kỳ câu chuyện nào, cô gái 18 tuổi cũng tự đặt câu hỏi và rút ra bài học cho bản thân. Hà cho rằng, trả lời câu hỏi: “Mình học được điều gì từ việc làm ấy” sẽ có giá trị hơn nhiều so với việc tham gia rất nhiều hoạt động nhưng không đem lại giá trị gì.

Minh Hà dự định tới đây sẽ theo đuổi ngành Quan hệ quốc tế ở ĐH Dartmouth. Sau khi tốt nghiệp, em mong muốn có thể theo đuổi bậc học cao hơn hoặc tham gia vào các tổ chức phi chính phủ để giúp đỡ cộng đồng.

Hà mong muốn có thể giúp đỡ nhiều hơn những người dân vùng cao, giúp họ dễ dàng hòa nhập với xu thế toàn cầu để không bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển chung của đất nước.

Tại buổi hội thảo “20 hiểu lầm về Ivy League” do Ivycation tổ chức, trả lời câu hỏi “Có phải ranking trường mới là điều quan trọng nhất”, Nguyễn Minh Hà cho rằng, nhiều học sinh và phụ huynh thường có xu hướng tra ranking trường trước khi quyết định “apply”. Ví dụ “Con phải vào trường Ivy League” hay “Con chỉ đăng ký trường trong top 20”. Theo Hà đây là quan niệm sai lầm. 

“Ranking trường trên các trang đánh giá thường bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố chứ không phải chỉ riêng về yếu tố học thuật. Mình không nên bị ám ảnh quá nhiều bởi nó khi lựa chọn ứng tuyển. Điều quan trọng nhất bạn phải chọn được hướng đi cho mình và tìm thấy cơ hội phát triển. Một số yếu tố khác bạn cần phải cân nhắc xem ngôi trường ấy có phù hợp hay không còn phụ thuộc vào địa điểm trường, chất lượng giảng dạy và sự thực tiễn,...”, Hà chia sẻ

Thúy Nga

Thủ khoa trường Tự nhiên giành học bổng tiến sĩ 8,4 tỷ

Thủ khoa trường Tự nhiên giành học bổng tiến sĩ 8,4 tỷ

-Từng thất bại khi trượt một số học bổng lớn, Đạt hỏi lý do thì được phản hồi là cậu còn quá khiêm tốn và không bày tỏ hết ước mơ của bản thân.

Previous
Next Post »
Thanks for your comment