Nghỉ học thứ 7, có được không?

 - Thứ 7 ngày 22/9, tại Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM học sinh nghỉ học chính khóa. Phần lớn học sinh tới trường để học ôn, kỹ năng sống, tham gia trải nghiệm. Ông Hà Hữu Thạch, hiệu trưởng nhà trường, cho biết vì trường học 2 buổi/ngày nên thứ 7 hàng tuần để học sinh sinh hoạt kỹ năng hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi.

Học sinh phổ thông nghỉ hay học ngày thứ 7?

Tranh luận chuyện để học sinh phổ thông nghỉ hay học vào thứ Bảy

Đề nghị các cơ sở giáo dục phổ thông cân nhắc không tổ chức dạy học vào thứ 7 đã được đặt ra trong một phiên họp nghị sự và tiếp tục là mối quan tâm của nhiều phụ huynh.

Hơn 70% số trường THPT ở TP.HCM đã học 2 buổi/ngày và có thể nghỉ học vào thứ 7

Không riêng Trường THPT Lê Qúy Đôn, nhiều trường THPT ở TP.HCM đã cho học sinh nghỉ học chính khóa thứ 7.

Ngay ở các quận trung tâm, dù các trường có số học sinh rất đông, nhưng vẫn nghỉ học chính khóa thứ 7 như THPT Trưng Vương, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Bùi Thị Xuân, THPT Gia Định, THPT Chuyên Lê Hồng Phong.

Dù nghỉ học chính khóa nhung ngày này học sinh vẫn vào trường tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ....

Lý do các trường nghỉ học chính khóa thứ Bảy vì học 2 buổi/ngày.

Nghỉ học thứ 7, có được không?
Hơn 70% số trường THPT ở TP.HCM học 2 buổi/ngày nên nghỉ học chính khóa thứ 7 (Ảnh: Lê Huyền)

TP.HCM đã có quy định dạy hai buổi/ngày đối với cấp THPT. Cụ thể, buổi một dạy không quá 5 tiết, buổi hai không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá 6 ngày. Các trường trung học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày phải đảm bảo hoàn thành kế hoạch giáo dục được giao, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Thời lượng dành cho phụ đạo, bồi dưỡng văn hoá và dạy học văn hoá tự chọn không quá 50% số tiết của buổi hai.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, hiện tại đã có hơn 70% số trường THPT của TP.HCM đăng ký học 2 buổi/ngày. Do vậy, số trường nghỉ học chính khóa vào thứ 7 của TP.HCM khá nhiều.

"Nói nghỉ học thứ 7 nhưng thực chất là không phải nghỉ. Ngày thứ 7, các em vẫn vào trường, tham gia các hoạt động ngoại khóa hoặc là học thêm, ôn luyện "- ông Hoàng cho biết.

Theo ông Hoàng hiện nay Sở đã có quy định học hai buổi/ngày học sinh sẽ học bao nhiêu tiết chính khóa, bao nhiêu tiết ngoại khóa. Còn giáo viên được theo tiết dạy và ở mức 16-17 tiết/tuần. Đối với các trường học 2 buổi/ngày, việc nghỉ ngày thứ 7 hoàn toàn có thể thực hiện được. Với những trường học 1 buổi/ngày, do lịch học đã kín mít từ đầu đế cuối tuần nên không thể nghỉ học thứ 7.

Trước câu hỏi: "Dù thuộc Sở GD-ĐT nhưng những trường THPT nằm ở các địa bàn "nóng" về dân số có đảm bảo cơ sở vật chất cho nghỉ học thứ 7 không?", ông Hoàng cho rằng, số học sinh cấp 3 của thành phố tương đối đồng đều, thậm chí dù trường nằm ở vị trí nằm ở quận "nóng" dân số nhưng lượng học sinh lại rất ít. Mặt khác cơ sở vật chất cũng tương đối tốt nên có thể nghỉ học thứ 7.

Được hay không phụ thuộc vào cơ sở vật chất

Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT Tây Ninh, cho rằng học sinh THPT có thể nghỉ học chính khóa vào thứ 7 nếu trường lớp có cơ sở vật chất tốt.

Với những trường đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện đầy đủ 40 tiết/tuần nghỉ vào thứ 7 là đương nhiên. Với trường cơ sở vật chất không đủ, phải học luân phiên hoặc theo ca bắt buộc phải học cả thứ 7 mới đảm bảo chương trình.

Ông Tài cho rằng, theo chương trình hiện hành, tùy đặc thù của từng trường về cơ sở vật chất và giáo viên để quyết định điều này. Tuy nhiên để đươc nghỉ ngày thứ 7, chắc chắn học sinh sẽ phải học dồn buổi chiều, hoặc co cụm giờ giấc hoặc học qua buổi khác..

Theo hiệu trưởng một trường tại quận 1, TP.HCM,  hiện nay có hai loại trường là trường học 2 buổi/ngày và học 1 buổi/ngày. Đối với trường học hai buổi/ngày, học sinh sẽ học chính khóa từ thứ Hai tới thứ Sáu xuyên suốt buổi sáng, ngoài ra học thêm hai buổi chính khóa vào buổi chiều. Như vậy thời gian buổi chiều còn lại đã học bổ trợ, học  tăng cường, ngoài khóa nên hoàn toàn nghỉ học chính khóa vào thứ 7.

Với những trường học 1 buổi/ngày có thể do không đủ phòng học, học sinh phải chia ca nên thời gian bố trí khung chương trình sẽ phải học trái tiết một số buổi.

"Một trường học nếu có 40 lớp nhưng chỉ có 20 phòng học sẽ rất khó để bố trí nghỉ vào ngày thứ 7. Do vậy, với trường học một buổi/ngày nhưng số lớp và số phòng học không tương ứng  sẽ không thể nghỉ học vào thứ 7"- bà khẳng định.

Cũng theo bà, hiện tại trường THPT nơi bà làm Hiệu trưởng học hai buổi/ ngày nên đã nghỉ được chiều thứ 6 và ngày thứ 7 để học sinh tự do tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Vị hiệu trưởng này cho biết, theo phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT hiện nay trung bình một tuần cho học sinh THPT từ 31-32 tiết/tuần. Tại trường bà, thông thường học sinh học 31-33 tiết/tuần. Như vậy, bố trí học từ thứ 2-6 học với thời lượng khoảng 4 tiết/ buổi thì phải bố trí thêm hai buổi chiều. 

Bà cũng cho hay, hiện nay TP.HCM đang xin chủ trương thực hiện khung chương trình của thành phố, không theo quy định của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn đảm bảo đủ chương trình và kịp tiến độ, nên việc nghỉ học thứ 7 hoàn toàn thực hiện được.

Còn ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng THPT Lê Quý Đôn, Quận 3, TP.HCM đưa ra quan điểm, nên giao quyền chủ động cho nhà trường về việc học hay nghỉ ngày thứ 7. Bởi dù nghỉ học chính khóa nhưng ngày này học sinh vẫn tới trường sinh hoạt kỹ năng, học năng khiếu.

Ông Thạch cho biết tính cả chính khóa và ngoại khóa, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn học khoảng 40-44 tiết/tuần. Số tiết này thực hiện theo tiêu chuẩn hội nhập quốc tế vì ngoài học chính khóa học sinh phải học tiếng Anh, học tăng cường một số bộ môn. Tuy nhiên số tiết này chia cho các ngày từ thứ 2- 6 vẫn đủ thời gian, nên ngày thứ 7 học sinh nghỉ. 

Lê Huyền

Previous
Next Post »
Thanks for your comment