Cách đây đúng 35 năm, Vanessa Williams, 20 tuổi đã tạo nên kỳ tích khi trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu Mỹ (Miss America). Chỉ không đầy một năm sau, cô lại tiếp tục gây chấn động lịch sử Mỹ một lần nữa khi là hoa hậu đầu tiên xin trả lại vương miện.
Vanessa Williams, tên đầy đủ là Vanessa Lynn Williams, sinh năm 1963 trong một gia đình có cha mẹ là giáo viên dạy nhạc ở vùng ngoại ô thành phố New York. Năm 1981, cô bắt đầu theo học chuyên ngành chính là nhạc kịch tại trường Đại học Syracuse.
Ảnh: Time |
Năm 1983, sau khi giành danh hiệu hoa hậu của bang New York (Miss New York), Williams được cử tham dự cuộc thi Hoa hậu Mỹ (Miss America) diễn ra tại thành phố Atlantic, bang New Jersey.
Ngày 17/9/1983, Williams đã đi vào lịch sử Mỹ khi trở thành hoa hậu da màu đầu tiên của nước này. Dù không phải là người phụ nữ da màu đầu tiên có mặt tại Miss America, nhưng Williams là đại diện đầu tiên của nhóm người thiểu số đạt được vương miện cao quý nhất trong 63 năm tồn tại của cuộc thi sắc đẹp này.
Williams trong giây phút đăng quang mang tính lịch sử năm 1983. Ảnh: AP |
Trước Williams từng có Cheryl Brown giành danh hiệu Miss Iowa và lọt vào vòng thi toàn quốc năm 1970. Lencola Sullivan đạt Miss Arkansas và cũng là người phụ nữ da đen đầu tiên có mặt trong tốp 5 người đẹp nhất Miss America năm 1980.
Sau chiến thắng chấn động, Williams phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích và những lời đàm tiếu mang tính phân biệt chủng tộc. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí People, nữ hoàng sắc đẹp da màu tiết lộ: “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được việc mình sẽ bị tổn thương đến như vậy khi trở thành Hoa hậu Mỹ”.
Tuy nhiên, những gì gặp phải khi vừa mới đăng quang chưa phải là điều tồi tệ nhất giáng xuống đầu Williams. 10 tháng sau khi nắm giữ vương miện Hoa hậu Mỹ, vào ngày 23/7/1984, tạp chí Penthouse bất ngờ cho đăng tải những bức ảnh chụp Williams khỏa thân từ năm 1982, thời cô còn chưa nổi tiếng.
Vào thời điểm ấy, Williams khẳng định, gần 2 năm trước đó, khi còn là cô gái 19 tuổi ngây thơ, khát khao được làm người mẫu, cô được nhiếp ảnh gia Tom Chiapel thuyết phục chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật cùng một phụ nữ khác. Ông Chiapel cam kết, các bức ảnh được chụp bằng kỹ thuật ngược sáng và sẽ không bao giờ được đăng tải công khai.
Song, khi Williams trở nên nổi tiếng, tất cả những gì liên quan đến cô đều thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo dư luận. Các thông tin, hình ảnh về Hoa hậu Mỹ đương nhiệm đều có giá trị thương mại lớn. Tiền bạc đã làm cho nhiếp ảnh gia Chiapel mờ mắt. Để có được các bức ảnh khoả thân của Williams, tạp chí Penthouse đã trả cho ông ta nhiều tiền hơn bất kỳ thông tin, hình ảnh "độc" nào về những người nổi tiếng trước đây.
Chia sẻ trên tạp chí People năm 1984, Williams thú nhận: "Tôi cảm thấy mình như con tốt thí. Quá khứ hiện về và giáng cho tôi một đòn đau. Tôi cảm thấy bị phản bội và bị xúc phạm giống như việc mình bị cưỡng bức".
Khi những cuốn tạp chí đăng tải các hình ảnh nhạy cảm của nữ hoàng sắc đẹp da màu xuất hiện nhan nhản trên các sạp báo cũng là lúc Williams phải đương đầu với bão chỉ trích của dư luận. Trước áp lực từ ban tổ chức Miss America, Williams buộc lòng phải tuyên bố từ bỏ danh hiệu Hoa hậu Mỹ, trả lại vương miện "để tránh nguy cơ gây tổn hại cho cuộc thi cũng như tạo ra sự chia rẽ sâu sắc vì các tranh cãi liên quan".
Williams tuyên bố trả lại vương miện Hoa hậu Mỹ năm 1984. Ảnh: History.com |
Tuy nhiên, sự cố nhớ đời đã không ngăn được những bước tiến sau này của cô gái tài năng và quả cảm. "Tôi vẫn phải tiếp tục sống, vì không có gì thay đổi được. Tôi phải đối diện với bê bối và tiếp tục chiến đấu ... Với tôi, thành công là sự phục thù tốt nhất", Williams nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Ebony năm 1990.
Sau một thời gian ở ẩn trốn tránh dư luận, Williams tái xuất và bắt đầu gây dựng lại hình ảnh bằng sự nghiệp âm nhạc. Tháng 6/1988, cô phát hành album hát đầu tay nhan đề "The Right Stuff". Album đã bán được hơn 2 triệu bản và có một ca khúc trong đó, “Save the Best for Last”, đứng đầu các bảng xếp hạng ca nhạc khắp toàn cầu.
Album thứ ba của Williams, "The Sweetest Days", phát hành năm 1994 cũng đạt danh hiệu Đĩa bạch kim danh giá. Năm 1995, cô thu âm bài hát "Colors of the Wind" làm ca khúc chủ đề cho bộ phim hoạt hình Pocahontas. Cũng trong năm này, ca khúc đã mang về cho Williams một giải Oscar ở hạng mục "Bài hát nhạc phim hay nhất".
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực ca hát, Williams còn lấn sân sang cả điện ảnh. Cô xuất hiện lần đầu trên màn ảnh rộng với một vai diễn nhỏ trong bộ phim "The Pick-Up Artist" (năm 1987), rồi bộ phim "Another You" (năm 1991). Năm 1996, cô được chọn vào vai nữ chính cùng người hùng cơ bắp Arnold Schwarzenegger trong bộ phim Eraser. Trong số các bộ phim điện ảnh khác của Williams phải kể đến Soul Food (năm 1997), Shaft (năm 2000) và Johnson Family Vacation (năm 2004).
Ngoài màn ảnh rộng, Williams cũng được mời tham gia diễn xuất trong nhiều bộ phim truyền hình dài tập, đáng kể nhất là bộ phim ăn khách "Ugly Betty" trình chiếu từ năm 2006 trên kênh ABC.
Williams từng 2 lần được đề cử nhận giải Emmy danh giá của điện ảnh Mỹ. Ngoài ra, cô cũng có cơ hội biểu diễn trên sân khấu kịch Broadway.
Thành công nối tiếp thành công đã khiến Williams trở thành một tên tuổi lớn trong làng giải trí Mỹ.
CEO Sam Haskell thay mặt đơn vị tổ chức Miss America chính thức xin lỗi Williams năm 2015. Ảnh: The Wrap |
Năm 2015, hơn 30 năm sau khi buộc phải từ bỏ danh hiệu Hoa hậu Mỹ, Williams, lúc này 52 tuổi, đã được mời làm trưởng ban giám khảo Miss America năm đó. Trong đêm chung kết được truyền hình trực tiếp ngày 13/9/2015, ông Sam Haskell, tổng giám đốc điều hành Miss America đã đại diện đơn vị tổ chức cuộc thi chính thức gửi lời xin lỗi đến Williams trên sân khấu.
Tuấn Anh
Ngày này năm xưa: Chuyện tình đệ nhất phu nhân trẻ nhất lịch sử Mỹ
Ngày 12/9/1953 ghi dấu đám cưới xa hoa của cô phóng viên trẻ Jackie với Thượng nghị sĩ John F. Kennedy, vị tổng thống thứ 35 tương lai của Mỹ.
Ngày này năm xưa: Tội ác man rợ của cặp vợ chồng 'đũa lệch'
Ngày 10/9/1977, Charlene, người có IQ bằng thiên tài Stephen Hawking, lần đầu gặp Gerald, rồi kết hợp thành cặp sát nhân, gây ra hàng loạt vụ án man rợ nhất lịch sử Mỹ.
Ngày này năm xưa: Thảm sát vận động viên rúng động Olympic
Ngày 5/9/1972, bọn khủng bố đột nhập làng Olympic ở Munich, Đức, bắt cóc rồi giết hại các vận động viên và huấn luyện viên người Israel.
Ngày này năm xưa: Siêu bão hủy diệt tấn công Mỹ
Ngày 29/8/2005, siêu bão Katrina đổ bộ vào nước Mỹ, tàn phá 5 bang ven Vịnh Mexico và gây ra thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất lịch sử nước này.
Ngày này năm xưa: Cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhất lịch sử thế giới
Ngày 27/8/1896 ghi dấu cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhất trong lịch sử thế giới, chỉ diễn ra trong vẻn vẹn 38 phút giữa Anh và Zanzibar.
Sự thật vụ Liên Xô bắn hạ máy bay chở khách Hàn Quốc
Hơn 30 năm sau, tài liệu giải mật của Nhật mới làm sáng tỏ vụ Không quân Liên Xô bắn hạ máy bay Hàn Quốc, chở theo 269 người xâm phạm không phận ngày 1/9/1983.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon