E ngại tháng cô hồn, giao dịch bất động sản sụt giảm

-Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), lượng giao dịch bất động sản trong tháng 9/2017 có chiều hướng chững lại và giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của tâm lý kiêng mua nhà trong thời gian này.

Giao dịch giảm

Qua số liệu báo cáo của một số chủ đầu tư và một số sàn giao dịch bất động sản, Cục này cho biết, tại Hà Nội trong tháng 9/2017 có khoảng 1.200 giao dịch thành công, giảm 11% so với tháng 8/2017.

Nguồn cung chủ yếu của thị trường vẫn tới từ các dự án đã được triển khai và chào bán từ giai đoạn trước. Đáng chú ý là tình trạng nguồn cung căn hộ phân khúc trung - cao cấp nhiều, thiếu nguồn cung căn hộ phân khúc bình dân, nhà ở xã hội.

chung cư giảm giá, cắt lỗ, tranh chấp chung cư, tháng cô hồn, giao dịch bất động sản, thị trường bất động sản cuối năm

Thị trường bất động sản cuối năm sẽ cạnh tranh gay gắt (Ảnh minh họa).

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, từ đầu năm đến nay có rất ít các dự án nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội được khởi công mới vì nguồn vốn hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội chưa được triển khai. Chỉ có một số dự án nhà ở xã hội khởi công từ đầu năm vẫn tiếp tục triển khai như dự án nhà ở xã hội Kiến Hưng (quận Hà Đông), dự án nhà ở xã hội tại Tam Trinh (quận Hoàng Mai), Minh Khai (quận Hai Bà Trưng)...

Tại TP.HCM, trong tháng 9/2017 có khoảng 1.300 giao dịch thành công, giảm 7% so với tháng 8/2017. Tuy nhiên mức giảm nhẹ hơn so với thị trường Hà Nội. Các dự án căn hộ nhà ở với diện tích vừa và nhỏ có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng nhận được nhiều sự quan tâm của thị trường, tuy nhiên nguồn cung rất hạn chế. Một số dự án triển khai trong giai đoạn trước có số lượng giao dịch nhiều như dự án Richmond City (quận Bình Thạnh), dự án Depot Metro Tham Lương (Quận 12), dự án Richstar (quận Tân Phú). Bên cạnh đó, thị trường đất nền, nhà ở liền kề, biệt thự tại khu vực các quận mới, có hạ tầng tốt cũng là sản phẩm có lượng giao dịch tốt trên thị trường trong giai đoạn này, như khu vực Quận 2, Quận 9.

Về giá cả, diễn biến thực tế trên thị trường cho thấy, giá bất động sản trong tháng 9 không có biến động so với cùng kỳ tháng trước.

Đánh giá về tình trạng này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, giao dịch trên thị trường bị ảnh hưởng bởi tâm lý tránh mua nhà trong tháng 7 âm lịch (tháng 9 dương lịch), cùng với việc các chủ đầu tư đang triển khai các dự án mới để chuẩn bị cho việc đưa hàng ra thị trường vào dịp cuối năm, không có dự án mới được chào bán ra thị trường trong thời gian này.

Báo cáo chỉ số bất động sản trong quý II/2017 của Savills, cũng cho thấy chỉ số giá nhà ở tại Hà Nội đạt 106,1 điểm, giảm 1 điểm theo quý và 2 điểm theo năm. Giá bán trung bình ghi nhận ở mức 1.209 USD/m² hay 27,5 triệu VNĐ/m².

Theo đơn vị nghiên cứu này, áp lực ngày càng tăng của nguồn cung thứ cấp khiến giá giảm xuống. Giá sơ cấp hạng A cũng giảm xuống do các dự án mới có giá chào bán thấp hơn mức giá trung bình của thị trường.

Áp lực nguồn cung cuối năm

Trên thực tế tại nhiều dự án, nhà đầu tư thứ cấp “cắt lỗ” căn hộ ngày càng nhiều. Khảo sát trên thị trường bất động sản Hà Nội, nhiều dự án dính tranh chấp hay ở những nơi có nguy cơ quá tải về hạ tầng giao thông đang được rao bán cắt lỗ khá mạnh. Mức cắt lỗ được nhà đầu tư đưa ra cả 100-300 triệu nhưng vẫn khó tìm được giao dịch.

Một nhà đầu tư đã mua 2 căn hộ tại một dự án ở khu vực Nhân Chính cho biết dù đã được bàn giao nhưng cũng đang khá đau đầu khi khu vực này đang bị đánh giá kém về mặt hạ tầng giao thông. Các dự án mở rộng tuyến đường Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân chưa có động thái mới với tình trạng ùn tắc giao thông như cơm bữa khiến khu vực này bị coi như "điểm đen" giao thông. Không những thế, dự án còn vướng tranh chấp với chủ đầu tư nên dù chấp nhận cắt lỗ hơn 300 triệu đồng mỗi căn nhưng vẫn chưa giao dịch được.

Theo dự báo của Savills trong nửa cuối năm 2017, khoảng 23.500 căn hộ từ 45 dự án sẽ được tung ra thị trường sẽ tiếp tục gây áp lực nguồn cung lên thị trường. Thanh khoản chững lại, cộng với nguồn cung dồi dào dẫn tới việc thị trường bất động sản cuối năm sẽ có sự cạnh tranh gay gắt.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định thị trường nửa cuối năm 2017 vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng, nhưng sẽ tiếp tục xu thế chững lại so với năm 2016.

Theo ông Châu, trong giai đoạn cuối 2017 - 2020, thị trường sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp.

Hồng Khanh

Quảng cáo bất động sản xanh: Sự thật hay chiêu trò?

Quảng cáo bất động sản xanh: Sự thật hay chiêu trò?

Hiện nay, rất nhiều dự án bất động sản đang gắn “mác” công trình xanh cho các dự án của mình để tạo sự quan tâm của khách hàng mua nhà. Tuy nhiên, phần lớn dự án trong số này đều không đạt chuẩn

Bộ Xây dựng ‘kiểm soát’ ma trận thông tin bất động sản

Bộ Xây dựng ‘kiểm soát’ ma trận thông tin bất động sản

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực hiện về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Bất động sản căng thẳng cuộc chiến dòng tiền

Bất động sản căng thẳng cuộc chiến dòng tiền

Cùng với việc siết tín dụng theo Thông tư 36 sửa đổi, của Ngân hàng Nhà nước, dòng tiền vào các dự án bất động sản cũng đang có sự phân hóa mạnh.

Previous
Next Post »
Thanks for your comment