Bài diễn thuyết nhân văn của Giáo hoàng trên diễn đàn TED

Lần đầu tiên Giáo hoàng Francis xuất hiện trên diễn đàn TED với một bài diễn thuyết được phát đi trực tiếp từ thành phố Vatican. 

Trong thông điệp tràn đầy hy vọng mà ông gửi tới người dân thuộc mọi tôn giáo, tới những người nắm giữ quyền lực và thường dân, nhà lãnh đạo tinh thần này đã đưa ra những bình luận sáng tỏ về thế giới mà chúng ta đang tìm kiếm, đồng thời kêu gọi sự bình đẳng, đoàn kết và cư xử nhã nhặn.

Dưới đây là nguyên văn bài diễn thuyết của Giáo hoàng Francis:

Chào buổi tối – hoặc buổi sáng, tôi không chắc bạn đang ở múi giờ nào. Bất kể bạn đang ở múi giờ nào thì tôi cũng rất vui mừng khi được tham gia vào diễn đàn của các bạn. Tôi thực sự thích cái tiêu đề - “Bạn của tương lai” – bởi vì, nó vừa nhìn về tương lai, lại vừa mở ra cho chúng ta một cuộc đối thoại vào ngày hôm nay để hướng về tương lai qua một phiên bản của “bạn”. 

“Bạn của tương lai” là tương lai được tạo nên bởi các bạn, được tạo nên bởi những cuộc gặp gỡ, bởi lẽ cuộc sống này bắt nguồn từ các mối quan hệ của chúng ta với người khác. Tôi thực sự tin rằng sự tồn tại của mỗi người và của mọi người có sự gắn kết vô cùng sâu sắc với sự tồn tại của những người khác: cuộc sống không chỉ đơn thuần là sự trôi qua của thời gian, mà còn là sự tương tác.

Khi tôi gặp gỡ hay lắng nghe những người đau ốm, những người nhập cư đang phải đối mặt với những khó khăn khủng khiếp để tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn, những tù nhân đang mang trong tim mình những nỗi đau, những người trẻ không có việc làm, tôi thường tự hỏi chính mình: “Tại sao lại là họ mà không phải là tôi?”. 

Bản thân tôi sinh ra trong một gia đình nhập cư. Bố tôi, ông bà tôi cũng giống như nhiều người Italia khác, rời quê hương để tới Argentina với hai bàn tay trắng. Tôi có thể cũng đã trở thành một trong số những kẻ bị xã hội ngày nay ngó lơ như thế. Và đó là lý do tại sao tôi luôn hỏi bản thân mình, trong sâu thẳm trái tim mình, rằng: “Tại sao lại là họ mà không phải là tôi?”.

Trước hết, tôi sẽ rất vui nếu cuộc gặp gỡ này có thể giúp nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều cần người khác, không ai trong chúng ta cô độc.

Không ai là một “tôi” tách biệt và độc lập với người khác, và chúng ta chỉ có thể gây dựng tương lai nếu đứng cùng nhau, cùng tất cả mọi người. 

Chúng ta không hay nghĩ về điều đó, nhưng tất cả mọi thứ đều có sự kết nối, và chúng ta cần khôi phục lại những kết nối đó ở một trạng thái khỏe mạnh. Ngay cả khi sự phán xét tàn nhẫn mà tôi giữ trong tim mình chống lại anh chị em tôi, thì vết thương mở không bao giờ được chữa lành, sự xúc phạm không bao giờ được tha thứ, sự bất bình chỉ làm tổn thương tôi. 

Tất cả là những ví dụ của một cuộc đấu tranh mà tôi mang theo mình, một ngọn lửa sâu thẳm trong trái tim tôi cần được dập tắt trước khi nó bốc cháy và để lại phía sau một đống tro tàn.

giáo hoàng, giáo hoàng Francis, TED
"Hạnh phúc chỉ có thể được phát hiện như một món quà của sự hài hòa giữa toàn bộ xã hội và mỗi cá thể..."

Ngày nay, nhiều người trong số chúng ta dường như tin rằng một tương lai hạnh phúc là điều không thể đạt được. Trong khi những lo ngại này cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, thì chúng cũng không nên từ bỏ hy vọng. Chúng ta có thể vượt qua nếu chúng ta không khóa mình với thế giới bên ngoài. Hạnh phúc chỉ có thể được phát hiện như một món quà của sự hài hòa giữa toàn bộ xã hội và mỗi cá thể. Thậm chí, cả khoa học – lĩnh vực mà các bạn biết rõ hơn tôi – cũng chỉ ra rằng hiểu biết thực tế là nơi mà mỗi thứ được kết nối và tương tác với nhiều thứ khác.

Và điều này đưa tôi đến thông điệp thứ hai: Thật tuyệt vời biết bao nếu như sự phát triển của đổi mới khoa học và công nghệ sẽ đi cùng với sự bình đẳng và hòa nhập xã hội. 

Tuyệt vời biết bao nếu như tình đoàn kết, những ngôn từ đẹp đẽ và đôi khi là không thoải mái không chỉ đơn giản là được nói ra vì công việc. Mà thay vì trở thành thái độ mặc định trong các lựa chọn chính trị, kinh tế và khoa học, thì nó cũng được sử dụng trong các mối quan hệ giữa người với người, giữa các dân tộc và quốc gia. 

Chỉ cần giáo dục con người về sự đoàn kết thực sự, thì chúng ta có thể đánh bại “rác thải văn hóa” – thứ không chỉ liên quan đến thực phẩm và hàng hóa, mà trước tiên và trên hết, liên quan tới những con người bị bỏ quên bởi hệ thống kinh tế - công nghệ của chúng ta. Đó là thứ mà chúng ta thậm chí còn không nhận ra, những hệ thống kinh tế - xã hội đang đặt hàng hóa làm cốt lõi, thay vì con người.

Sự đoàn kết là một khái niệm mà nhiều người muốn xóa bỏ khỏi từ điển. Tuy nhiên, đoàn kết không phải là một cơ chế tự động. Nó không thể được lập trình hay kiểm soát. Nó là một phản ứng tự do được sinh ra từ trái tim của mỗi người và của mọi người. Vâng, một phản ứng tự do! 

Khi một người nhận ra rằng cuộc sống, thậm chí là với quá nhiều mâu thuẫn, vẫn là một món quà, rằng tình yêu là sự khởi nguồn và là ý nghĩa của cuộc sống, thì họ có thể hối thúc bản thân bằng cách nào đó để làm điều tốt cho người khác?

Để làm điều tốt, chúng ta cần ký ức, chúng ta cần sự can đảm và sự sáng tạo. Và tôi biết rằng TED là nơi tụ họp của nhiều tư tưởng sáng tạo. Vâng, tình yêu đòi hỏi một thái độ sáng tạo, vững chãi và khéo léo. Ý tưởng tốt và cách làm thông thường – thứ thường được sử dụng để xoa dịu lương tâm chúng ta – là chưa đủ. Hãy để chúng ta giúp đỡ người khác, cùng nhau, để nhớ rằng người khác không phải là một con số hay một số liệu thống kê. Người khác có một khuôn mặt. “Bạn” luôn là một sự hiện hữu, một con người cần được quan tâm.

Có một dụ ngôn mà Chúa Giê-su đã kể để giúp chúng ta hiểu về sự khác biệt giữa những người không muốn bị làm phiền và những người quan tâm tới người khác. Tôi chắc rằng các bạn đã từng nghe nó. Đó là Dụ ngôn Người Samari nhân lành (Parable of the Good Samaritan). 

Khi Chúa Giê-su được hỏi: “Ai là người lân cận tôi?”, “Tôi nên quan tâm tới ai?” – Người đã kể câu chuyện này, câu chuyện về một người đàn ông bị tấn công, cướp giật, đánh đập và bị bỏ rơi trên một con đường đất. 

giáo hoàng, giáo hoàng Francis, TED
"Hãy để chúng ta giúp đỡ người khác, cùng nhau, để nhớ rằng người khác không phải là một con số hay một số liệu thống kê..."

Khi nhìn thấy người đàn ông, một linh mục và một người Lê-vi – hai người rất có ảnh hưởng ở thời điểm đó – đã bước qua mà không hề dừng lại giúp đỡ. Một lúc sau, một người Samari – một dân tộc bị coi thường vào thời điểm đó – đã bước tới. Nhìn thấy người đàn ông bị thương nằm trên đất, anh ta không hề lờ đi. Thay vào đó, anh ta cảm thấy thương cảm với người đàn ông này và được thôi thúc phải làm điều gì đó. Anh ta đã đổ dầu và rượu vang vào vết thương, đưa người đàn ông tới một quán trọ và dốc hết túi tiền để giúp đỡ.

Câu chuyện về người Samari chính là câu chuyện về nhân loại ngày nay. Con đường của nhân loại đang bị rạn nứt vì những đau khổ, khi mà mọi thứ đều tập trung quanh tiền bạc, vật chất, thay vì con người. Và những người tự gọi mình là “đáng kính” thường có thói quen không quan tâm tới người khác. Họ bỏ lại hàng nghìn người, hoặc toàn bộ cư dân ở phía bên đường. May mắn thay, cũng có những người đang tạo nên một thế giới mới bằng cách quan tâm tới người khác, thậm chí là dốc hết túi của mình. Mẹ Teresa từng nói: “Người ta không thể yêu thương, trừ khi họ phải bỏ tiền túi”.

Chúng ta có rất nhiều việc phải làm, và chúng ta phải làm cùng nhau. Nhưng chúng ta phải làm như thế nào với tất cả những tội ác mà chúng ta đang hít thở hằng ngày? Tạ ơn Chúa vì không có hệ thống nào có thể làm mất đi mong muốn được mở rộng lòng tốt, lòng từ bi và khả năng phản ứng để chống lại cái ác, tất cả những cái đó đều bắt nguồn từ sâu thẳm trong trái tim chúng ta. 

Bây giờ các bạn có thể nói với tôi rằng, “Chắc chắn rồi, đây là những lời nói tốt đẹp, nhưng tôi không phải là người Samari nhân lành, cũng không phải mẹ Teresa của Calcutta”. Ngược lại, chúng ta là duy nhất, mỗi người và tất cả mọi người trong chúng ta. Mỗi người và tất cả mọi người trong chúng ta là không thể thay thế được trong mắt Chúa. Thông qua bóng tối của những xung đột ngày hôm nay, mỗi người và mọi người trong số chúng ta có thể trở thành một ngọn nến sáng, một lời nhắc nhở rằng ánh sáng sẽ vượt lên bóng tối, và không bao giờ theo một cách khác.

Với những người theo đạo Cơ đốc, tương lai có một cái tên. Tên của nó là Hy vọng. Hy vọng không có nghĩa là thiếu niềm tin một cách lạc quan và lờ đi những thảm kịch mà con người đang phải đối mặt. Hy vọng là đức tính của một trái tim không tự khóa mình trong bóng tối, không chỉ chăm chăm nhìn vào quá khứ, không đơn thuần chỉ xoay quanh hiện tại, mà có thể nhìn vào tương lai. Hy vọng là cánh cửa mở ra tương lai. Hy vọng là hạt giống ẩn giấu khiêm nhường của cuộc sống, cùng với thời gian sẽ phát triển thành một cái cây lớn. Nó giống như thứ men vô hình giúp cả phần bột nhào nở ra, mang hương vị tới mọi khía cạnh của cuộc sống. Và nó có thể làm được nhiều điều, bởi vì chỉ một tia sáng nhỏ xíu cũng có thể nuôi hi vọng đủ đề phá vỡ lá chắn của bóng tối. 

Một người cũng đủ để hy vọng tồn tại, và người đó có thể là bạn. Và rồi sẽ có một “bạn” khác”, rồi một “bạn” khác nữa, và rồi nó sẽ trở thành “chúng ta”. Vì thế, hy vọng chỉ bắt đầu khi có “chúng ta”? Không. Hy vọng bắt đầu chỉ bằng một “bạn”. Khi có “chúng ta”, nó đã bắt đầu một cuộc cách mạng.

Thông điệp thứ ba mà tôi muốn chia sẻ ngày hôm nay là về cách mạng: cuộc cách mạng của sự nhã nhặn. 

Nhã nhặn là gì? Là tình yêu thương. Nó bắt nguồn từ trái tim chúng ta, đến với con mắt, đôi tai và bàn tay. Nhã nhặn nghĩa là sử dụng đôi mắt của chúng ta để nhìn người khác, đôi tai của chúng ta để nghe người khác, lắng nghe trẻ em, những người nghèo, những người e ngại tương lai, để lắng nghe tiếng khóc câm lặng của ngôi nhà chung là Trái Đất đang ô nhiễm và ốm yếu. Nhã nhặn là dùng đôi tay và trái tim của mình để an ủi người khác, để quan tâm người khác.

giáo hoàng, giáo hoàng Francis, TED
"Bạn càng mạnh mẽ, hành động của bạn càng có ảnh hưởng tới mọi người, thì bạn càng có trách nhiệm hành xử khiêm nhường..."

Nhã nhặn, dịu dàng là ngôn ngữ của trẻ nhỏ, của những người đang cần sự quan tâm của người khác. Tình yêu của một đứa trẻ dành cho bố mẹ lớn lên nhờ sự tiếp xúc, nhờ ánh nhìn, giọng nói và sự dịu dàng. Tôi cảm thấy thích thú khi được nghe những ông bố bà mẹ nói chuyện với con mình, Họ thích nghi với đứa trẻ, sử dụng cách giao tiếp của đứa trẻ đó. Sự nhã nhặn chính là việc ở cùng mức độ, đẳng cấp với người khác. Đây là con đường mà người Samari nhân lành đã đi. Đây cũng là con đường mà Giê-su đã đi. Ngài hạ thấp chính mình, Ngài sống cuộc sống của con người để thực hành ngôn ngữ thực và cụ thể của tình yêu thương.

Đúng thế, sự nhã nhặn chính là lựa chọn của những người đàn ông và phụ nữ mạnh mẽ nhất, can đảm nhất. Nhã nhặn không phải là yếu đuối, mà là sự dũng cảm. Đó là con đường của đoàn kết, của sự khiêm nhường. 

Hãy cho phép tôi nói điều này thật to và rõ ràng: Bạn càng mạnh mẽ, hành động của bạn càng có ảnh hưởng tới mọi người, thì bạn càng có trách nhiệm hành xử khiêm nhường. Nếu không, quyền lực của bạn sẽ hủy hoại bạn, và bạn sẽ hủy hoại những người khác. 

Người Argentina có một câu nói rằng: “Sức mạnh giống như uống rượu gin với cái bụng rỗng”. Bạn cảm thấy chóng mặt, bạn say, bạn mất cân bằng, và bạn sẽ kết thúc bằng việc làm đau chính mình và những người xung quanh, nếu bạn không kết nối quyền lực với sự khiêm nhường và nhã nhặn. Mặt khác, với sự khiêm nhường và tình yêu thương, quyền lực của những người mạnh nhất và cao cấp nhất sẽ trở thành một dịch vụ, một nguồn lực cho cái tốt.

Tương lai của nhân loại không chỉ nằm trong tay các chính trị gia, các nhà lãnh đạo vĩ đại, những doanh nghiệp lớn. Đúng vậy, họ nắm giữ một trách nhiệm lớn lao. Nhưng tương lai nằm trong tay những người nhận ra người khác chính là “bạn” và bản thân mỗi người là một phần của “chúng ta”. 

Tất cả chúng ta đều cần người khác. Vì thế, hãy nghĩ về tôi với sự nhã nhặn, để tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ mà tôi đã được trao vì những điều tốt đẹp của người khác, của mỗi người và của tất cả mọi người, của tất cả các bạn, của tất cả chúng ta. Cảm ơn các bạn.

  • Nguyễn Thảo (Theo TED)
Previous
Next Post »
Thanks for your comment